Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024
Ngày 2/10/2024, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính năm 2024. Lễ vinh danh các Công ty uy tín do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 tại Hà Nội.
Hệ thống tài chính là huyết mạch của nền kinh tế, đảm nhận vai trò cung cấp nguồn vốn trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường, giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế luôn vận động, vai trò của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, đặc biệt là nhóm công ty chứng khoán và tài chính, ngày càng quan trọng.
Top 10 Công ty uy tín ngành Tài chính được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan, với 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Bức tranh thị trường Tài chính năm 2023: Xen kẽ điểm sáng - tối
Các công ty chứng khoán đã cho thấy kết quả kinh doanh phục hồi mạnh trong năm 2023, sau mức đáy được ghi nhận vào năm trước đó bởi hàng loạt biến cố trên thị trường bất động sản và ngân hàng.
Đến hết năm 2023, số lượng tài khoản chứng khoán đạt 7,2 triệu, tăng thêm gần 400 nghìn tài khoản so với năm 2022. Tuy nhiên, hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn dang dở.
Trong khi đó, nhóm công ty tài chính gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tăng trưởng không như kỳ vọng, lạm phát đẩy lãi suất lên cao và chỉ giảm vào nửa cuối năm ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu dùng, khả năng chi trả của người dân. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các công ty tài chính và cho thuê tính đến cuối tháng 1/2024 giảm hơn 6.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023 và giảm gần 15.000 tỷ đồng giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2024, phản ánh rõ tình hình khó khăn của ngành.
Ngành Tài chính gắn liền với đà phục hồi kinh tế trong năm 2024
Theo khảo sát của Vietnam Report, 85,7% số doanh nghiệp và chuyên gia ngành Tài chính cho rằng Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là cơ hội lớn nhất cho sự tăng trưởng của thị trường, theo sau là các yếu tố vĩ mô như Tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng khá, Môi trường kinh doanh ổn định…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhóm công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt. Theo thống kê của Vietnam Report với 20 công ty chứng khoán lớn nhất tính theo tài sản ghi nhận tại kỳ báo cáo tài chính quý II/2024 (chiếm khoảng 80% tổng tài sản toàn ngành), chỉ số hiệu quả hoạt động ROA có xu hướng đi lên. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự chuyển dịch trong những năm qua khi tỷ trọng doanh thu hoạt động lõi ngày càng giảm, doanh thu tự doanh tăng và doanh thu cho vay ký quỹ duy trì ổn định dưới 30%.
Đối với nhóm công ty tài chính, tổng tài sản của các công ty đã tăng trở lại từ vùng đáy vào tháng 2/2024. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính tới ngày 30/6/2024 đối với nhóm này là 18,95%, luôn duy trì cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định.
Giải quyết khó khăn trong ngành Tài chính
Theo khảo sát của Vietnam Report, top 4 thách thức của ngành Tài chính hiện nay bao gồm: (1) Rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng; (2) Nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; (3) Thị trường yêu cầu sản phẩm tài chính chất lượng hơn; và (4) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành.
An ninh mạng là một trong những vấn đề quan trọng đối với các công ty chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh số hóa ngày càng sâu rộng. Để phòng ngừa rủi ro an ninh mạng, các công ty cần tập trung nâng cấp hệ thống, nâng cao năng lực của nhân viên, nhất là nhân sự công nghệ thông tin, và lên sẵn kịch bản cho mọi sự cố nhằm đảm bảo dữ liệu đã được mã hóa an toàn.
Ngoài ra, trải qua hàng loạt khó khăn như đại dịch, thiên tai, căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế…, doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn trong thanh toán những khoản nợ trước đó. Giải pháp cho các công ty tài chính là sàng lọc khách hàng rủi ro thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng chi tiết, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh những thách thức kể trên, sự hậu thuẫn từ chính sách là cơ sở cho bước tiến bền vững của thị trường. Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận một số kiến nghị chính sách của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm: Tiếp tục cải thiện, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan (100%); Điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt với diễn biến thị trường (83,3%); Đẩy mạnh chuyển đổi số và an toàn thông tin (75,5%); Đẩy nhanh tiến độ các giải pháp nâng hạng TTCK (66,3%); Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát nợ xấu (66,3%).
Thị trường tài chính là kênh dẫn truyền nguồn vốn, là huyết mạch của nền kinh tế. Dù tốc độ phục hồi chưa quá mạnh, song trong nửa đầu năm nay, các công ty chứng khoán và tài chính đã cho thấy tín hiệu khả quan, song hành với triển vọng tích cực của nền kinh tế để mở ra một viễn cảnh hứa hẹn hơn.
>> Điệp khúc 12 năm chờ đợi, hệ thống KRX sẽ được bấm nút vận hành sau Tết 2025?