Top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam quý I/2025: Big4 giữ thế áp đảo, VPBank bứt phá
BIDV tiếp tục dẫn đầu về tổng tài sản quý I/2025, trong khi VPBank vượt Techcombank, nhóm ngân hàng tư nhân tăng tốc mạnh mẽ.
BIDV, VietinBank, Vietcombank dẫn đầu về tổng tài sản
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của 27 ngân hàng, tổng tài sản toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình 3% so với cuối năm 2024. Bức tranh xếp hạng tiếp tục cho thấy thế áp đảo của nhóm ngân hàng quốc doanh (Big4), trong khi các ngân hàng cổ phần đang rút ngắn khoảng cách bằng tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định.
BIDV tiếp tục giữ vững vị trí số một với tổng tài sản đạt 2,85 triệu tỷ đồng, tăng hơn 95.000 tỷ đồng chỉ sau một quý. Xếp sau lần lượt là VietinBank (CTG) với 2,47 triệu tỷ đồng và Vietcombank (VCB) với 2,10 triệu tỷ đồng. Đây cũng là ba ngân hàng duy nhất có tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ đồng tính đến hết quý I năm nay.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, MB (MBB) vẫn là đơn vị dẫn đầu với tổng tài sản đạt 1,15 triệu tỷ đồng, tiếp tục khẳng định vị thế trong Top 4 ngân hàng ngoài quốc doanh. Đáng chú ý, VPBank (VPB) đã vượt Techcombank (TCB) để vươn lên vị trí thứ 5 toàn hệ thống với tổng tài sản 994.037 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 70.000 tỷ đồng so với quý IV/2024. Trong khi đó, Techcombank chỉ tăng nhẹ, đạt 989.216 tỷ đồng và lùi về vị trí thứ 6.
Các vị trí tiếp theo trong Top 10 bao gồm: ACB (891.675 tỷ đồng), SHB (790.742 tỷ đồng), Sacombank – STB (757.093 tỷ đồng) và HDBank (711.311 tỷ đồng). Với tổng tài sản tăng hơn 14.000 tỷ đồng chỉ trong một quý, HDBank giữ vững vị trí thứ 10, đồng thời là một trong những ngân hàng có chiến lược mở rộng tài sản ổn định nhất trong nhóm cổ phần tư nhân.
Năm 2025, HDBank đặt mục tiêu tổng tài sản 890.442 tỷ đồng (+28%). Bên cạnh đó, ngân hàng kiến tạo chiến lược HD Financial Group bằng cách hợp nhất: Vikki Digital Bank, HD SAISON, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer.
![]() |
>> VPBank (VPB) nhận khoản vay hợp vốn quốc tế kỷ lục 1 tỷ USD
Cùng với tăng trưởng tài sản, quý I/2025 cũng ghi nhận sự phân hóa rõ nét về hiệu quả kinh doanh giữa các nhà băng. Dẫn đầu về lợi nhuận vẫn là nhóm ngân hàng quốc doanh, nhưng tốc độ tăng trưởng lại nghiêng về khối tư nhân, trong đó nổi bật là MB và HDBank.
Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân với lợi nhuận trước thuế đạt 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, MB đã tạo bất ngờ khi vươn lên vị trí thứ hai, đạt 8.386 tỷ đồng, tăng trưởng tới 45%, vượt qua cả BIDV (7.413 tỷ đồng) và Techcombank (7.140 tỷ đồng).
HDBank là điểm sáng lớn trong quý này khi báo lãi 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Với kết quả này, HDBank đã vượt VPBank (5.015 tỷ đồng) và ACB (4.597 tỷ đồng), thăng hạng lên vị trí thứ 6 toàn hệ thống. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong nhóm Big 4 ngân hàng tư nhân, gồm Techcombank, HDBank, VPBank và ACB.
Động lực tăng trưởng của HDBank đến từ chiến lược bán lẻ đa năng, mở rộng thị phần SME, tài trợ chuỗi cung ứng, cùng với khai thác hiệu quả các khu vực đô thị loại 2 và nông thôn. Việc ra mắt Vikki Digital Bank, tăng 38% lượng khách hàng cá nhân và 55% giao dịch số, đã giúp ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành.
Ở nhóm còn lại, SHB đạt lợi nhuận 4.371 tỷ đồng, tăng 9%; trong khi SeABank gây bất ngờ khi lần đầu lọt Top 10 với 4.354 tỷ đồng, tăng trưởng tới 189%.
Tổng lợi nhuận trước thuế toàn ngành đạt 82.534 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Có 7 ngân hàng báo lãi vượt 5.000 tỷ đồng, nhiều hơn 2 đơn vị so với quý I/2024 – phản ánh hiệu quả vận hành được cải thiện rõ rệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều thách thức.
![]() |
Nguồn: BCTC các ngân hàng |
>> Một mã cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 11%
Kế hoạch lợi nhuận 2025: Lạc quan có kiểm soát
Theo báo cáo mới nhất của SSI Research, các ngân hàng thương mại cổ phần đã trình kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 17% so với năm 2024 – sát với mức dự báo của SSI là 18%. Con số này phản ánh tâm lý lạc quan nhưng thận trọng, trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều biến động và áp lực chi phí vốn gia tăng.
Mặc dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 21%, một số ngân hàng vẫn đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm trước, chủ yếu do lo ngại về biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp trong môi trường cạnh tranh lãi suất gay gắt. Một số đơn vị như VPBank, HDBank và OCB đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường, trong khi ACB, Techcombank, MB và Sacombank giữ kế hoạch thận trọng, thấp hơn kỳ vọng của SSI từ 4–5%.
SSI cảnh báo rằng các kế hoạch hiện tại chưa hoàn toàn phản ánh các rủi ro tiềm tàng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Việc tạm hoãn áp dụng trong 90 ngày mang lại "khoảng lặng tích cực", nhưng nếu chính sách được triển khai vào cuối năm, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay ngoại tệ cao như BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn về tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chất lượng tài sản.
Ngoài ra, tình trạng nợ xấu vẫn là mối quan ngại, đặc biệt trong các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng và sản xuất. Các nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng như ngoại hối, bảo hiểm hay bancassurance chưa hồi phục rõ rệt, trong khi chi phí đầu tư cho công nghệ tiếp tục tăng.
Khối tài chính tiêu dùng cũng có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp, khi khách hàng chính – người lao động thu nhập thấp – dễ bị tổn thương trước biến động kinh tế. Điều này làm tăng áp lực trích lập dự phòng và rủi ro tín dụng.
Dù vậy, một số yếu tố hỗ trợ vẫn hiện hữu: đồng USD yếu đi giúp giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ và hạ nhiệt áp lực tỷ giá; đồng thời, các biện pháp kích thích tài khóa như đầu tư công, tái cấu trúc nợ và hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ sẽ góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Về dài hạn, nếu Mỹ triển khai chính sách thuế toàn diện vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026, các ngân hàng Việt Nam có thể phải dịch chuyển chiến lược từ “bám xuất khẩu” sang “tăng trưởng nội địa” – tập trung vào tiêu dùng cá nhân, đầu tư tư nhân và đầu tư công trong nước. Đây sẽ là bước chuyển hướng quan trọng nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế và củng cố năng lực phục hồi nội tại.
Một số ngân hàng đã chủ động lên phương án ứng phó. Tại đại hội cổ đông, SHB cho biết đã làm việc với đại sứ Mỹ để chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Dù khách hàng xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục cho vay, ngân hàng vẫn xác định sẵn các biện pháp bảo đảm hoạt động ổn định trước mọi tình huống.
Tổng thể, ngành ngân hàng Việt Nam năm 2025 đang hướng tới sự cân bằng giữa tăng trưởng và an toàn. Trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định, khả năng linh hoạt trong điều hành, điều chỉnh danh mục rủi ro và duy trì nền tảng vốn vững chắc sẽ là chìa khóa giúp các ngân hàng giữ được đà tăng trưởng trong năm nay và xa hơn.
>> Bộ Tài chính: Nghiên cứu áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản