Top 5 công việc có nguy cơ bị xóa sổ trong 20 năm tới vì AI: Nghề nào dễ bị thay thế nhất?
Dù lạc quan hơn công chúng về tác động tích cực của AI đối với việc làm và kinh tế, giới chuyên gia vẫn thừa nhận công nghệ này sẽ gây xáo trộn sâu rộng trên thị trường lao động – đặc biệt với các ngành dễ tự động hóa.
Theo một báo cáo mới từ Trung tâm nghiên cứu Pew, các chuyên gia nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực AI có góc nhìn tích cực hơn nhiều về tác động của công nghệ này đối với việc làm và nền kinh tế, so với phần lớn công chúng.
Tuy nhiên, phần lớn trong số họ cũng thừa nhận AI sẽ khiến một số công việc biến mất trong tương lai.
Cụ thể, 56% chuyên gia AI cho biết công nghệ này sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho nước Mỹ trong 20 năm tới, trong khi chỉ 17% người trưởng thành tại Mỹ đồng tình.
Nhìn chung, giới chuyên môn tin rằng AI sẽ giúp cải thiện cách con người làm việc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này. Kết quả trên dựa vào khảo sát hơn 1.000 chuyên gia AI đang nghiên cứu hoặc làm việc trong ngành, cùng với một cuộc khảo sát riêng trên hơn 5.400 người Mỹ trưởng thành.

Dù ít lo ngại hơn so với người lao động trung bình, các chuyên gia thừa nhận một số ngành nghề sẽ chịu tác động rõ rệt từ AI. Theo họ, đây là những công việc có nguy cơ cao nhất trong 20 năm tới.
1. Thu ngân (73% chuyên gia đồng ý)
2. Tài xế xe tải (62%)
3. Nhà báo (60%)
4. Công nhân nhà máy (60%)
5. Kỹ sư phần mềm (50%)
Người lao động đa số đồng tình với các chuyên gia về những ngành nghề có rủi ro, ngoại trừ tài xế xe tải: chỉ 33% công chúng tin rằng số lượng tài xế sẽ giảm do AI. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng các công việc lái xe đang đứng trước nguy cơ thay thế khi công nghệ xe tự động ngày càng tiến bộ.
Quan điểm của chuyên gia và công chúng
Nghiên cứu này tiếp tục cho thấy mối lo ngại kéo dài trong xã hội Mỹ rằng AI có thể thay thế việc làm và làm xói mòn sự kết nối giữa con người, ông Gottfried, phó Giám đốc nghiên cứu tại Pew, chia sẻ.
Dù có nhiều khác biệt, cả chuyên gia và công chúng đều đồng ý rằng AI có thể tạo ra tác động tích cực nhất trong lĩnh vực chăm sóc y tế; đồng thời tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện chất lượng tin tức và độ tin cậy trong bầu cử.
Cả hai nhóm đều mong muốn có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với cách AI được sử dụng trong cuộc sống, và không tin rằng Chính phủ hay các công ty Mỹ sẽ quản lý AI một cách hiệu quả và có trách nhiệm.
“Điều quan trọng là cả 2 nhóm quan điểm này cần được lắng nghe khi xây dựng và tích hợp AI vào công việc cũng như nền kinh tế”, ông Gottfried nhấn mạnh. “Chúng tôi không đánh giá đâu là đúng, mà muốn tìm hiểu đâu là trải nghiệm, góc nhìn của 2 nhóm đang đóng vai trò then chốt trong cuộc đối thoại về rủi ro, lợi ích và tương lai của AI”.
Theo CNBC
>> Ngành xuất khẩu Trung Quốc lao đao: 16 triệu việc làm có nguy cơ biến mất vì thuế quan của Mỹ