Thế giới 24h

77.000 việc làm có thể biến mất, nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản, giá cả tăng vọt vì thuế quan?

Vũ Bấc 27/04/2025 - 10:00

Giá cả leo thang, kệ hàng trống trơn, nguy cơ suy thoái kinh tế và bất ổn toàn cầu — đó là những gì người dân Mỹ có thể phải đối mặt trong nhiều tháng tới, theo cảnh báo từ các chuyên gia.

Chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đang gây xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, và theo nhận định của các chuyên gia, tình hình có thể còn tồi tệ hơn.

Trong 1 bài phỏng vấn của Business Insider với chín chuyên gia trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, vận chuyển và hậu cần, các chuyên gia đã cảnh báo về thời điểm và các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày sẽ bị tác động nhiều từ chính sách thương mại hiện tại của ông Trump.

Theo họ, chỉ trong vài tuần tới, người tiêu dùng Mỹ có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn lớn: giá cả leo thang, kệ hàng tại các cửa hiệu trống trơn, và một số mặt hàng sẽ khan hiếm nhanh hơn những mặt hàng khác.

77.000 việc làm có thể biến mất, nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản, giá cả tăng vọt vì thuế quan? - ảnh 1
Một siêu thị tại bang Wisconsin, Mỹ

Nếu xu hướng này tiếp tục, bốn chuyên gia cảnh báo rằng đến cuối năm 2025, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn, với nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ, thị trường toàn cầu bất ổn và căng thẳng địa chính trị leo thang.

Giá cước vận chuyển lao dốc mạnh

Lượng đặt hàng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã giảm mạnh kể từ khi thuế quan toàn diện của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực. Mặc dù hôm 9/4, ông Trump đã tạm thời hoãn áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia trong vòng 90 ngày, mức thuế cơ bản 10% với tất cả các nước và mức thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn được duy trì.

Theo dữ liệu từ công ty hậu cần kỹ thuật số Vizion, trong tuần đầu tiên của tháng 4 — ngay sau tuyên bố áp thuế ngày 2/4 của ông Trump — các đơn đặt hàng container vận tải đường biển toàn cầu đã giảm gần 50%. Riêng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ giảm tới 64% so với tuần trước đó, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 36%. Lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ ra thế giới cũng giảm 30%.

Tình trạng sụt giảm tiếp tục kéo dài trong các tuần kế tiếp. Trong tuần kết thúc ngày 14/4, Vizion ghi nhận tổng lượng nhập khẩu vào Mỹ giảm thêm 12% so với tuần trước, còn lượng hàng nhập từ Trung Quốc vào Mỹ giảm sâu 22%.

"Đây là một vấn đề lớn", Bob Ferrari, Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng và CEO của Ferrari Consulting and Research Group, nhận định với Business Insider. "Hệ thống hiện tại không được thiết kế để xử lý tình trạng này, và các doanh nghiệp cũng vậy. Những hệ quả kéo theo sẽ rất sâu rộng".

77.000 việc làm có thể biến mất, nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản, giá cả tăng vọt vì thuế quan? - ảnh 2
Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc

Hàng dự trữ dần cạn kiệt

Trước khi Tổng thống Trump nhậm chức và bắt đầu công bố kế hoạch áp thuế, nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động nhập thêm hàng hóa vào Mỹ nhằm giảm thiểu tác động từ các mức thuế tiềm tàng, theo các chuyên gia chuỗi cung ứng chia sẻ với Business Insider. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế với nhiều quốc gia, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc, đồng thời đưa chính sách thuế quan trở thành trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử.

"Tôi cho rằng họ đã nhập trước lượng hàng tương đương một đến ba tháng tồn kho," Lisa Anderson, Chủ tịch LMA Consulting, nhận định.

Tuy nhiên, khoảng đệm đó đang dần cạn kiệt.

Chris Tang, Giáo sư tại Đại học California, Los Angeles, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, cho biết với mức thuế hiện tại lên tới 145% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nhiều công ty buộc phải hủy các đơn hàng mới, chờ đợi diễn biến từ lệnh tạm hoãn thuế 90 ngày của Trump trước khi đưa ra quyết định nhập khẩu lớn.

"Hiện tại họ đang hủy đơn hàng, vì vậy lượng hàng tồn kho sẽ cạn kiệt," Tang nói. "Và khi lượng hàng tồn kho này bán hết, giá sẽ tăng mạnh hoặc thậm chí không còn hàng hóa để bán."

Dữ liệu từ Sea Intelligence cho thấy, số lượng đơn đặt hàng container từ châu Á đến các cảng của Mỹ trong những tuần tới đang bị hủy bỏ với tốc độ nhanh chóng, trong một kịch bản mà công ty mô tả là "khá cực đoan".

Theo các chuyên gia chuỗi cung ứng, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm thường là giai đoạn nhập khẩu cao điểm, khi các doanh nghiệp Mỹ dự trữ hàng hóa phục vụ cho mùa tựu trường, mùa lễ hội và các dịp cuối năm. Tuy nhiên, đà sụt giảm nhập khẩu và số lượng đơn hàng bị hủy cho thấy chu kỳ kinh doanh truyền thống đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng.

"Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, là hoàn toàn có thể xảy ra," ông Sean Henry, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty hậu cần Stord, nhận định. "Các thương hiệu sẽ phải thu hẹp danh mục sản phẩm, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn ở một số ngành hàng."

Trong khi đó, ông Ryan Petersen, nhà sáng lập kiêm CEO của Flexport, cho biết nếu Tổng thống Trump kịp đạt thỏa thuận giảm thuế để khôi phục hoạt động vận chuyển trước khi lượng hàng tồn kho cạn kiệt, tác động đối với người tiêu dùng sẽ được hạn chế. "Nhưng nếu không có thỏa thuận, tình trạng thiếu hụt sẽ rất nghiêm trọng," ông Petersen cảnh báo. "Tình hình có lẽ còn tệ hơn bất cứ điều gì chúng ta từng chứng kiến trong đời".

Tuy vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Time ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn tin rằng việc áp mức thuế cao tới 50% trong năm tới sẽ là một "chiến thắng toàn diện".

"Hiệu ứng roi da" đe dọa nền kinh tế

Theo chuyên gia Bob Ferrari, tình trạng thiếu hụt hàng hóa nếu diễn ra sẽ nhanh chóng đẩy giá cả leo thang. Những sản phẩm có biên lợi nhuận thấp — như đồ chơi, quần áo, đồ dùng ngày lễ và thiết bị gia dụng — có thể sẽ thiếu hụt và tăng giá sớm hơn các mặt hàng khác.

Thời điểm người tiêu dùng Mỹ cảm nhận rõ tác động này sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho hiện tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ferrari dự đoán giá cả có thể bắt đầu tăng ngay từ tháng 5 hoặc tháng 6.

"Một khi tình trạng này bắt đầu, nó sẽ lan rộng", Ferrari cảnh báo. Ông cho biết thêm, các mặt hàng như thiết bị gia dụng và đồ điện tử có thể bước vào giai đoạn tăng giá và khan hàng vào tháng 7 hoặc tháng 8. Dù Tổng thống Trump đã miễn thuế cho một số thiết bị điện tử, Ferrari lưu ý rằng không phải mọi linh kiện đều được miễn thuế, vì vậy giá các sản phẩm điện tử cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Nick Vyas, Giám đốc sáng lập Viện Chuỗi cung ứng toàn cầu Randall R. Kendrick tại USC Marshall, cho rằng giá cả leo thang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt trong những mùa chi tiêu cao điểm, làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

"Hãy tưởng tượng một người mẹ có ngân sách cho mùa tựu trường, nhưng phải đối mặt với mức lạm phát 50%, 60% hay thậm chí 70%," Vyas nói. "Bà ấy sẽ không thể mở rộng ngân sách để bù đắp. Thay vì mua 10 món đồ, bà sẽ chỉ mua năm món. Điều đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo sự suy giảm chi tiêu, và nền kinh tế bắt đầu chậm lại."

Theo ông Vyas, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do giá cao, nhu cầu sẽ lao dốc. Đến lúc nguồn cung — vốn đang bị hoãn lại trong kỳ vọng môi trường thương mại ổn định — ồ ạt trở lại thị trường, sẽ không còn đủ người mua.

"Khi cung vượt cầu, chúng ta sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng quen thuộc từng xảy ra trong đại dịch COVID-19", Vyas phân tích. "Lúc thì không có hàng, lúc lại thừa mứa, rồi lại thiếu hụt — hiện tượng này được gọi là 'hiệu ứng roi da' (bullwhip effect). Và hiệu ứng này hoàn toàn không tốt cho thị trường, cho ngành công nghiệp, cho các nhà bán lẻ — thực tế là không tốt cho bất kỳ ai".

Theo bốn chuyên gia chuỗi cung ứng, thời gian Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc càng lâu, tình hình đối với người dân Mỹ càng trở nên tồi tệ hơn.

Bà Margaret Kidd, Phó Giáo sư về công nghệ chuỗi cung ứng và hậu cần tại Đại học Houston, cho biết sự bất ổn trong chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đang trở nên phức tạp hơn bởi nhiều cuộc đàm phán thương mại, chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và các mức thuế mới tiềm tàng đối với dược phẩm, xe tải nhập khẩu cũng như tàu thuyền Trung Quốc.

"Cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ sẽ là bên chịu thiệt hại từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump", Kidd nhận định. "Cách tiếp cận này có thể sớm khiến ông mang danh hiệu 'Tổng thống hủy diệt Giáng sinh'."

Một cuộc chiến thương mại kéo dài cũng có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp Mỹ. Ryan Petersen, CEO của Flexport, cho biết tác động từ việc giảm lượng đặt hàng vận chuyển hàng hóa đang bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ.

"Các công ty Mỹ đang nhập khẩu những mặt hàng này. Nếu họ buộc phải hủy đơn hàng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề," Petersen nói.

Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn, và hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và hậu cần có thể bị mất. Theo ước tính của Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale ngày 15/4, nếu chiến lược thuế quan hiện tại của ông Trump tiếp tục mà không đạt được thỏa thuận, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể tăng thêm 0,6 điểm phần trăm vào cuối năm 2025, tương đương với việc mất hơn 770.000 việc làm.

Tác động quốc tế cũng được cảnh báo sẽ rất nghiêm trọng. Các chuyên gia Nick Vyas và Chris Tang cho rằng chính sách hiện tại có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy thoái.

"Nếu không được quản lý cẩn thận, tình trạng này có thể gây ra rủi ro lớn, kéo nền kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái sâu," ông Vyas cảnh báo. "Việc phục hồi sẽ cực kỳ khó khăn, và trật tự thương mại toàn cầu có thể rơi vào hỗn loạn — trái ngược hoàn toàn với mục tiêu mà ông Trump đang hướng tới."

Trong khi đó, chuyên gia Chris Tang cho rằng trong thời gian ngắn, chiến lược thuế quan hiện tại có thể phá vỡ mối quan hệ thương mại đã được xây dựng suốt nhiều thập kỷ giữa Mỹ và các đối tác như Canada và Mexico. Vyas cũng cảnh báo rằng căng thẳng kéo dài có thể thúc đẩy các đồng minh truyền thống của Mỹ tìm cách thiết lập các tuyến thương mại riêng với Trung Quốc — một kết quả đi ngược lại những gì chính quyền Trump mong muốn.

Đáng lo ngại hơn, chuyên gia Vyas cho rằng những bất ổn kinh tế này có thể châm ngòi cho các xung đột địa chính trị. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng Tổng thống Trump sẽ tận dụng thời gian tạm hoãn 90 ngày để đạt được thỏa thuận với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhằm giảm bớt thuế quan và tránh những kịch bản xấu nhất.

"Bởi vì lựa chọn thay thế là gì?"Chuyên gia Vyas nói. "Nếu chúng ta tiếp tục leo thang áp lực lên Trung Quốc, hậu quả có thể tồi tệ như cuộc Đại Suy thoái năm 1929, hoặc thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, khi nhìn nhận theo hướng đó, tôi chọn lạc quan — bởi vì các lựa chọn khác cũng không hề dễ chịu”.

Tham khảo BNN, Reuters

>> Siêu cường châu Á đứng trước 'cơ hội vàng' để thay thế Trung Quốc trên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ

Hàn Quốc tố các công ty Trung Quốc giả nhãn ‘Made in Korea' để né thuế quan

Bất mãn với ông Trump, Canada sẽ gia nhập EU?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/77000-viec-lam-co-the-bien-mat-nhieu-doanh-nghiep-my-pha-san-gia-ca-tang-vot-vi-thue-quan-141264.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    77.000 việc làm có thể biến mất, nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản, giá cả tăng vọt vì thuế quan?
    POWERED BY ONECMS & INTECH