TP giàu nhất Việt Nam có một xã là ‘thủ phủ du lịch’: Sở hữu chuỗi dự án tỷ USD và cao tốc kết nối đến siêu sân bay
Từ một bãi biển hoang sơ, nơi đây đang vươn mình thành thủ phủ du lịch biển – rừng đẳng cấp quốc tế khi là một phần của thành phố lớn của cả nước.
Sau khi chính thức sáp nhập vào TP. HCM từ ngày 1/7/2025, xã Hồ Tràm bước sang một giai đoạn phát triển mới, trở thành tâm điểm chiến lược của siêu đô thị 14 triệu dân nhờ những lợi thế về vị trí, hạ tầng đồng bộ và tiềm năng du lịch vượt trội.
Xã Hồ Tràm, TP. HCM được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Phước Bửu, xã Phước Tân và xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây, với diện tích 94,51km2 và dân số gần 52.000 người. Tên gọi Hồ Tràm được lựa chọn bởi đây là địa danh quen thuộc, gắn liền với lịch sử, dễ đọc, dễ nhớ và đã khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước lẫn quốc tế. Từ lâu, Hồ Tràm đã được biết đến như một điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút đông đảo du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn.

Nằm cách trung tâm TP. HCM khoảng 110-120km, Hồ Tràm sở hữu vị trí đắc địa khi chỉ mất chưa đầy 90 phút di chuyển bằng ô tô nhờ các tuyến cao tốc hiện hữu và đang được mở rộng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành cuối năm nay sẽ rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 70 phút.
Đặc biệt, cao tốc Long Thành - Hồ Tràm dự kiến khởi công đầu năm 2026 sẽ kết nối trực tiếp Hồ Tràm với sân bay quốc tế Long Thành - siêu sân bay lớn nhất của Việt Nam, giúp du khách quốc tế chỉ mất khoảng 30-40 phút để đến vùng biển này. Đường ven biển chạy dọc toàn bộ địa bàn cũng đang được nâng cấp, chỉnh trang, nâng tầm trải nghiệm cho du khách.
Hồ Tràm nổi tiếng với bãi biển dài gần 40km vẫn giữ được vẻ hoang sơ, từng được CNNGo bình chọn là một trong 10 bãi biển hoang sơ đẹp nhất thế giới, cùng rừng nguyên sinh Phước Bửu rộng hơn 11.000ha và suối khoáng nóng Bình Châu độc đáo. Khí hậu ôn hòa với hơn 300 ngày nắng mỗi năm tạo điều kiện lý tưởng để phát triển các mô hình nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, làm việc từ xa hay tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp đang góp phần định hình Hồ Tràm trở thành một "thủ phủ" du lịch biển – rừng của miền Nam. Có thể kể đến dự án The Grand Ho Tram với quy mô hơn 160ha và tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD là biểu tượng nghỉ dưỡng - giải trí của khu vực với hơn 6.000 phòng lưu trú và khả năng phục vụ tới 18.000 lượt khách mỗi ngày. Ngoài The Grand, các thương hiệu quốc tế như Meliá, Madison, Wonderland, Maia, Fusion, InterContinental, Hyatt Regency… cùng những tập đoàn lớn như Novaland, Charm Group cũng đã hiện diện, tạo nên hệ sinh thái du lịch cao cấp, thu hút dòng khách chất lượng cao và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ.
Việc trở thành một phần của TP. HCM giúp Hồ Tràm hưởng lợi từ cơ chế quản lý hành chính tinh gọn, tạo thuận lợi cho thủ tục đầu tư và góp phần giãn dân, giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Với tầm nhìn phát triển đô thị - du lịch liên vùng, nơi đây không chỉ là điểm đến nghỉ dưỡng quen thuộc của người Sài Gòn mà còn đang định hình trở thành trung tâm second-home, động lực tăng trưởng mới của thành phố và cửa ngõ du lịch biển đẳng cấp quốc tế.
Từ một bãi biển nguyên sơ, Hồ Tràm nay đã khoác lên mình diện mạo mới hiện đại, năng động, hội nhập và sẵn sàng vươn tầm trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.
TP. HCM là thành phố giàu nhất Việt Nam nhờ vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại hàng đầu cả nước. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, vai trò "đầu tàu kinh tế" của thành phố tiếp tục được củng cố khi quy mô của TP. HCM mới chiếm đến 1/4 GDP của cả nước.