Tỉnh có đường bờ biển dài nhất cả nước sẽ hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng 8.000ha trên rừng
Dự án đặt mục tiêu thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm, gắn với bảo tồn rừng và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Theo báo Lao Động, ngày 5/7, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và Nam Khánh Hòa đã công bố kế hoạch cho thuê môi trường rừng đến các đơn vị, tổ chức quan tâm nhằm khai thác, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại hai khu vực rừng phòng hộ này.
Trước đó, ngày 30/6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2025-2029 tại rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và Nam Khánh Hòa. Đề án đặt mục tiêu thu hút từ 6-9 nhà đầu tư có trách nhiệm, đồng thời đón ít nhất 30.000 lượt khách mỗi năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 7%, tỷ lệ khách lưu trú qua đêm đạt 20%. Dự án cũng kỳ vọng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động địa phương.

Tại rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, tổng diện tích có rừng hơn 4.100ha, chủ yếu là rừng tự nhiên, bên cạnh khoảng 670ha đất chưa có rừng và 3ha rừng trồng. Giai đoạn đầu, 10 điểm và 2 tuyến du lịch sinh thái đã được xác định với tổng diện tích hơn 4.844ha. Các điểm gồm Hốc Chim 1, 2; Suối Bình Trung 1, 2; Đá Chải 1, 2, 3, 4; Suối Mơ 1, 2. Hai tuyến du lịch sinh thái là tuyến suối Bình Trung và tuyến suối Mơ.
Tại rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, diện tích tự nhiên khoảng 3.213ha được quy hoạch tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Các điểm du lịch dự kiến khai thác gồm: sông Hàm Leo, thác Tà Gụ, thung lũng Ô Kha, căn cứ địa cách mạng, Sơn Hiệp, Xóm Cỏ, Tô Hạp, Ba Cụm Nam, đỉnh đèo Khánh Sơn. Ngoài ra, khu vực này còn phát triển các tuyến du lịch như tuyến Tà Giang, thác LaVan - thác Sa Gai, thác Cà Zôn - thác Tà Gụ, thác Tà Gụ - đỉnh Hòn Bà.

Các sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ tập trung vào du lịch mạo hiểm, khám phá – trải nghiệm, giáo dục môi trường, công vụ (MICE), dịch vụ ăn uống và giải trí ngoài trời. Ban Quản lý sẽ triển khai theo ba phương án tự tổ chức; liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân; hoặc cho thuê môi trường rừng để thực hiện hoạt động du lịch.
Đề án cũng hướng tới phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên rừng, kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá di tích lịch sử cách mạng, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, nghiên cứu và đào tạo.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Khánh Hòa chính thức sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, hình thành đơn vị hành chính mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa với trung tâm hành chính đặt tại phường Nha Trang.
Sau sáp nhập, Khánh Hòa mới tiếp tục khẳng định vị thế là tỉnh sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước. Với tổng diện tích 8.555,86km2 và dân số hơn 2,24 triệu người, địa phương này được đánh giá có nhiều lợi thế chiến lược trong phát triển kinh tế biển.
Các lĩnh vực nổi bật gồm du lịch, dịch vụ cảng biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản, cùng với tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo ven bờ.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gần 22.000 tỷ nỗ lực về đích đúng tiến độ
HOREA kiến nghị Chính phủ gỡ vướng pháp lý cho dự án BT tại Khánh Hòa của Sunshine Group