TP giàu nhất Việt Nam đầu tư gần 1.000 tỷ nâng cấp đê bao bên dòng sông huyết mạch dài 250km
Đây là một trong những công trình trọng điểm được Thành phố khởi công nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Ngày 25/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM đã khởi công dự án nâng cấp, gia cố hệ thống đê bao ven bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ rạch Tra đến sông Vàm Thuật, đi qua địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn.
Đây là một trong những công trình trọng điểm được Thành phố khởi công nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Dự án có tổng chiều dài 51,4km, tổng mức đầu tư hơn 991 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM làm chủ đầu tư.
Các hạng mục chính bao gồm nâng cấp tuyến đê bao chính dài 17,5km dọc bờ hữu sông Sài Gòn; sửa chữa, gia cố 7 tuyến đê bao nội đồng với tổng chiều dài gần 34km; đồng thời xây dựng hai cống ngăn triều, mỗi cống rộng 22m, tại rạch Cầu Võng và rạch Bà Hồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2027, góp phần khắc phục tình trạng sạt lở, ngập úng do triều cường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng tại khu vực Tây Bắc thành phố.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM, nhấn mạnh, dự án không chỉ giúp củng cố hạ tầng phòng chống thiên tai mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị ven sông, tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ và thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao. Qua đó, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Đèo Cả (HHV) đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 8%, sẵn sàng góp mặt tại siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD
Được biết, với chiều dài khoảng 251km, sông Sài Gòn bắt nguồn từ tỉnh Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM trước khi hợp lưu vào sông Đồng Nai, hình thành nên một mạng lưới giao thông và kinh tế quan trọng.
Không chỉ là huyết mạch giao thông của khu vực, sông Sài Gòn còn len lỏi qua những khu vực sầm uất nhất của TP. HCM như Quận 1, Quận 3, Quận 4, Bình Thạnh, Gò Vấp và TP. Thủ Đức. Những cây cầu bắc ngang sông như cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn... không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn góp phần tạo nên cảnh quan ấn tượng, kết nối giữa hai bờ đô thị - một bên hiện đại, một bên mang đậm dấu ấn truyền thống.
Dọc theo hai bờ sông, các khu đô thị, cảng biển và công viên ven sông như Công viên Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng đã hình thành, mang đến những mảng xanh quý giá giữa lòng đô thị sôi động.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP.HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.