TP.HCM gặp khó trong việc bồi thường thu hồi đất nhà nhiều hộ, nhiều tầng

27-06-2023 14:31|VI ANH

TP.HCM đang gặp khó trong việc tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất đối với trường hợp nhà nhiều hộ, nhiều tầng.

Cụ thể, để có thể triển khai dự án mở rộng Trường tiểu học Nguyễn Trực tại Q.8, UBND quận này đã phải thu hồi nhà đất số 338 Dương Bá Trạc có tổng diện tích hơn 4.590m2. Tại khu đất này, có công trình với diện tích xây dựng hơn 150m2, đó là nơi sinh sống của 7 hộ dân. Ngoài ra còn có một nhà xưởng thuộc Công ty CP Điện máy TP.HCM.

20190215105939-d99a.jpg
TP.HCM gặp khó khăn trong việc tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất đối với trường hợp nhà nhiều hộ, nhiều tầng.

Chi phí bồi thường quá thấp so với giá thị trường

Theo thông tin thu thập từ UBND Q.8, thông qua quá trình thu thập pháp lý từ các hộ dân, đã xác định rằng Công ty CP Điện máy TP.HCM đã cung cấp nơi ở cho các hộ dân không đúng thẩm quyền và không phù hợp từ năm 1990.

Nơi ở của các hộ dân này là công trình gồm 1 trệt và 1 lầu, có lối đi riêng và tách biệt hoàn toàn với nhà xưởng. Do gặp khó khăn trong việc tính toán bồi thường, UBND Q.8 đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hướng dẫn việc áp dụng hệ số phân tầng nhằm định giá cơ sở trong quá trình bồi thường cho các hộ dân.

Cùng với đó, trường hợp thu hồi đất tại các chung cư cũ nhiều tầng, nhiều hộ thuộc dự án xây dựng mới Trường THCS Nguyễn Tất Thành, UBND Q.4 đã nhận thấy việc áp dụng đơn giá đất phân bổ theo tầng, như quy định tại Điểm c khoản 3 Điều 26 của Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng để tính giá đất phân bổ bồi thường và hỗ trợ theo từng tầng không phù hợp so với giá trị thị trường.  

UBND Q.4 cho biết, một trong những khó khăn hiện này chính là việc áp dụng hệ số sử dụng đất dựa trên bảng giá đất nhằm tính bồi thường đối với nhà nhiều hộ, nhiều tầng là không phù hợp với thị trường, cũng như sự đồng thuận giữa người dân khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua khung hệ số tính giá bồi thường đất tại TP.HCM đã tăng liên tục nhằm tiệm cận được giá thị trường, thúc đẩy nhanh chóng giải phóng mặt bằng các dự án. Vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) nhằm tạo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn năm 2023.

Tuy nhiên động thái hệ số K của TP.HCM bắt nguồn từ chi phí bồi thường, điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình giải phóng mặt bằng đối với các dự án tại thành phố. Người sở hữu đất bị thu hồi thường không đồng ý với giá đất do cơ quan nhà nước đề xuất, cho rằng nó quá thấp so với giá trị thị trường.

Tình trạng này đã dẫn đến hậu quả rõ rệt trong năm 2022, khi TP.HCM có tổng 190 dự án với khoản vốn bồi thường vượt quá 12.580 tỷ đồng. Trong khi đó chỉ có 55% số tiền được giải ngân vào cuối năm, gần 30% số người dân đồng ý nhận tiền và số tiền còn lại được gửi vào kho bạc nhà nước để chờ người nhận.

Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, hệ số điều chỉnh giá đất vừa ban hành cao hơn nhiều so với năm trước, gần với giá trị thị trường hỗ trợ công tác đền bù được đẩy nhanh. Theo ông Phúc, TCIP có 30 dự án gặp vướng trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đa phần đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng giá đất chưa được thỏa đáng nên người dân không đồng thuận. 

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

8e6dc4be-7278-4a30-8146-50c9992e1009.jpg
Hiện nay, giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chủ trương ủy quyền cho UBND cấp quận - huyện quyết định.

Để giải quyết những vấn đề trên, các đơn vị tư vấn xác định giá đất và UBND quận - huyện đề xuất mức giá thị trường của từng căn hộ dựa theo vị trí để tính bồi thường, hỗ trợ và không áp dụng hệ số.

Theo Sở TN&MT cho biết, để đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ, đồng thời hạn chế những khiếu nại thì cần xác định giá trị căn hộ người dân đang sử dụng theo sát giá thị trường để tính bồi thường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quan điểm là phải tạo điều kiện tốt hơn dành cho người dân. Đối với từng dự án phát triển, nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải hỗ trợ người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được sắp xếp để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa kèm theo bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Bên cạnh đó, triển khai nhiệm vụ cho những người tái định cư, bố trí xen kẽ khu dân cư ngay tại đô thị đó hoặc tạo ra khu đô thị mới sử dụng luôn hạ tầng và các điều kiện tại khu vực đó.

Vừa qua, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo về lãnh đạo công tác giải ngân các dự án được giao vốn bồi thường năm 2022 và 2023. Theo đó, tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP đạt kết quả cao nhất và đúng tiến độ theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác đối thoại với người dân bị tác động do dự án, thuyết phục các hộ dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dự án nhằm đồng thuận với chủ trương thực hiên dự án, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận chủ trương giao UBND quận – huyện thuê đơn vị tư vấn để thực hiện thẩm định, phê duyệt giá từng căn hộ cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ cho người dân.  

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/tp-hcm-gap-kho-trong-viec-boi-thuong-thu-hoi-dat-nha-nhieu-ho-nhieu-tang-246434.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TP.HCM gặp khó trong việc bồi thường thu hồi đất nhà nhiều hộ, nhiều tầng
    POWERED BY ONECMS & INTECH