Bất động sản

TP.HCM không đánh đổi mọi giá để làm 'siêu cảng' gần 5,5 tỷ USD ở Cần Giờ

Tuấn Kiệt 19/10/2023 - 15:31

TP.HCM không đánh đổi bằng mọi giá để làm 'siêu cảng' gần 5,5 tỷ USD ở Cần Giờ mà có sự cân nhắc rất hài hòa lợi ích về kinh tế - xã hội, các vấn đề về tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững.

Ngày 19/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” với nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành, tư vấn tham dự.

W-img-7783-1.jpg
Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến về “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ bởi nhận thức rõ việc phát triển cảng tại đây sẽ nhạy cảm, phải bảo vệ tài nguyên môi trường và các mối quan hệ vùng.

Do đó, thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan chuyên ngành với nhiều góc nhìn khác nhau, nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo, cân nhắc, kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

"Chúng ta nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hay bất kỳ dự án nào đều hướng tới mục tiêu phát triển. Dự án này không chỉ phát triển cho TP.HCM, cho vùng mà còn cho cả nước. Do đó, TP.HCM sẽ không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc rất hài hòa lợi ích về kinh tế - xã hội, các vấn đề về tài nguyên môi trường, theo hướng phát triển bền vững", Chủ tịch TP.HCM khẳng định.

Theo Chủ tịch TP.HCM, hiện có 4 vấn đề chính cần tiếp tục nghiên cứu, để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra lựa chọn.

Đầu tiên là đánh giá sự xung đột kinh tế khi triển khai cảng trung chuyển Cần Giờ với các cảng biển hiện hữu và cảng theo quy hoạch.

Thứ hai ảnh hưởng giữa phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ. Khi đặt vấn đề nghiên cứu phát triển cảng, câu chuyện kết nối đường bộ nếu có có ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ hay không. Vấn đề này sẽ được thành phố tính kỹ, dự kiến giai đoạn đầu khai thác cảng chủ yếu kết nối đường thủy, các công trình lớn kết nối chỉ thực hiện sau năm 2030.

W-img-7765-1.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội thảo.

Vấn đề thứ ba, là sự tác động thế nào đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Các nghiên cứu cần tránh hai xu hướng là muốn làm cảng quá mà bỏ qua những tác động và ngược lại vì lo ảnh hưởng khu sinh quyển mà không dám làm gì.

Thứ tư, đánh giá chung về tác động của cảng này nếu hình thành theo đề án, theo các giai đoạn phát triển thì tác động của nó tới kinh tế - xã hội, không chỉ TP.HCM, của vùng, đất nước như thế nào?

Không làm sớm sẽ mất cơ hội

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tài chính quốc gia, bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án bởi hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế nào, nhiều cuộc họp bàn đi bàn lại từ Cam Ranh đến khắp nơi nhưng không nơi nào làm.

"Thực hiện cảng tại huyện Cần Giờ, TP.HCM sẽ bổ sung cho cảng Cái Mép- Thị Vải và nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia, phát triển bổ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau, vì lợi ích quốc gia chứ không vì lợi ích TP.HCM.

Hiện nay, pháp lý dự án đầy đủ nhưng Chính phủ yêu cầu làm rõ một số ý, như liên quan tác động rừng. Thực tế không có dự án nào không gây tác động nhưng phải đặt cái nhìn tổng thể và lựa chọn những lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn cho quốc gia", TS Trần Du Lịch nói.

W-img-7625-1.jpg
Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu góp ý

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội lịch sử cho TP.HCM và cả quốc gia nên cần tận dụng cơ hội để triển khai.

Theo vị chuyên gia, lộ trình quy hoạch quốc gia, dự án này đã được ghi tên, nhưng trong quy hoạch cảng biển chính thức thì vẫn chưa được định hình. Do đó, TP.HCM cần phải triển khai để đưa vào nhanh, nếu không kịp xoay chuyển thì không biết bao nhiêu năm mới làm.

“TP.HCM cần thực hiện ý tưởng thế nào nhanh nhất, nếu không nắm bắt sẽ đánh mất cơ hội phát triển. TP cần quyết tâm làm ráo riết, đừng quá cân nhắc những lợi ích lặt vặt", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, hiện nay có 10 cảng biển lớn nhất thế giới thì 9 cảng nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc xây dựng tới 7 cảng, Hàn Quốc và Singapore, mỗi nước có cảng trung chuyển và cảng lớn nhất nằm ở Hà Lan.

W-img-7656-1.jpg

“Trong khoảng không chật hẹp đó, nếu Việt Nam có thêm thêm 1 cảng trung chuyển thì cơ hội sẽ thế nào? Yếu tố quyết định hàng đầu trong vận tải hàng hải là hãng tàu. Chúng ta đã mời được hãng tàu lớn nhất thế giới tham gia, vậy triển vọng của cảng này như thế nào?”, ông Thiên đặt vấn đề.

Về lo ngại xung đột xảy ra khi xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ông Thiên cho rằng TP.HCM cần xử lý câu chuyện xung đột lợi ích này một cách thấu đáo với luận cứ vững chắc, rõ ràng...

phoi canh sieu cang can gio portcoast 16927953669362023631076.jpg
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.
Tháng 11 trình Thủ tướng dự án 'siêu cảng' gần 5,5 tỷ USD
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm biệt lập ở cù lao Phú Lợi, thuộc vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng diện tích cảng khoảng 571 ha (chiếm 0,8% của huyện), bao gồm 90 ha đất cù lao rừng phòng hộ ven biển và 481 ha diện tích mặt nước.
Nếu được Chính phủ duyệt, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ năm 2024. Theo tiến độ dự kiến, siêu cảng sẽ hoạt động từ 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet).
Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỷ đồng (5,5 tỷ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.
UBND thành phố sẽ hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trình Thủ tướng dự kiến trong tháng 11/2023.

Hình ảnh nút giao 3.400 tỷ lớn nhất, hiện đại nhất TP. HCM với 6 cây cầu sau gần 2 năm thi công

Nam Long (NLG) tự tin hoàn thành mục tiêu 500 tỷ đồng lợi nhuận, khẳng định nhu cầu tại TP. HCM là rất lớn

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tp-hcm-khong-danh-doi-moi-gia-de-lam-sieu-cang-gan-5-5-ty-usd-o-can-gio-2204071.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TP.HCM không đánh đổi mọi giá để làm 'siêu cảng' gần 5,5 tỷ USD ở Cần Giờ
    POWERED BY ONECMS & INTECH