TPHCM tập trung phát triển 'công dân số' để thực hiện nền công vụ số
Để các nền tảng số hoạt động hiệu quả, đòi hỏi phải có các 'công dân số'. Vì vậy, TPHCM đang thực hiện nhiều hoạt động để phát triển 'công dân số'.
Lời toà soạn: Năm 2025 TPHCM đặt mục tiêu sẽ đưa toàn bộ nền công vụ lên môi trường số, ở đây không chỉ số hoá hồ sơ mà toàn bộ quy trình sẽ được thực hiện trên nền tảng số và dịch vụ công sẽ được đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình. VietNamNet xin giới thiệu đến độc giả tuyến bài viết về những chuẩn bị của TPHCM để thực hiện mục tiêu trên.
Bài 1:
Bài 2:
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, thành phố đã và đang thực hiện nhiều hoạt động để phát triển "công dân số".
Thứ nhất là nâng cao nhận thức, tuyên truyền rộng rãi thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các sự kiện cộng đồng để phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố đã xây dựng mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng với trên 11 nghìn thành viên phủ khắp các quận huyện, phường xã, tổ dân phố, đây sẽ là lực lượng đến trực tiếp hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và các nhóm đối tượng khó khăn, về cách sử dụng các thiết bị số và các ứng dụng cơ bản.
Thứ hai là thành phố luôn tập trung xây dựng hạ tầng số rộng khắp, đảm bảo chất lượng mạng lưới internet, viễn thông ổn định và tốc độ cao đến mọi khu vực, đặc biệt là các vùng ven và nông thôn.
Xây dựng các điểm truy cập Wifi công cộng miễn phí tại các công viên, thư viện, trung tâm hành chính... Thành phố luôn tìm kiếm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo có thiết bị thông minh, tiếp cận môi trường số.
Thứ ba là liên tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến. Tích hợp các dịch vụ, tạo ra một nền tảng dịch vụ công thống nhất, giúp người dân dễ dàng truy cập và sử dụng các dịch vụ khác nhau.
TPHCM đang phát triển một ứng dụng duy nhất để người dân có thể truy cập tất cả các dịch vụ công trực tuyến, từ việc thanh toán hóa đơn đến việc đăng ký xe và sẽ không ngừng cập nhật và bổ sung các tính năng mới vào ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thứ tư là hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tổ chức các sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử.
Ngoài ra, để khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, TPHCM cũng đã thông qua chính sách mức thu lệ phí 0 đồng đối với 5 loại hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên địa bàn.
Theo đó, 5 loại hồ sơ thủ tục hành chính được áp dụng mức thu lệ phí 0 đồng gồm: Lệ phí hộ tịch; Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Lệ phí đăng ký kinh doanh; Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, ông Lâm Đình Thắng cho biết, để đạt được mục tiêu trở thành một thành phố thông minh, còn rất nhiều việc cần làm. Việc phát triển "công dân số" là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân .
Về ứng dụng công dân số, trao đổi với PV VietNamNet, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM cho biết, ứng dụng công dân số thành phố sẽ dùng tài khoản VNeID làm định danh. Hiện Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đã thử nghiệm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã thông về kỹ thuật.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, người dân TPHCM chỉ cần có tài khoản VNeID là sử dụng được ứng dụng công dân số. Trên ứng dụng này, người dân có thể đăng ký các dịch vụ công, xem kết quả tương tác từ các hệ thống dịch vụ công, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, thay vì phải lên website.
Các ứng dụng 1022, Bản đồ số của thành phố cũng sẽ được tích hợp vào ứng dụng công dân số để tăng tiện ích cho người dân. Bên cạnh đó, các dịch vụ công theo nhóm các lĩnh vực, những dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, trường học, tìm đường, thông tin kẹt xe, thông tin ngập… cũng sẽ được tích hợp vào ứng dụng.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM thông tin thêm, ứng dụng công dân số cũng sẽ được sử dụng làm vé thanh toán với các phương tiện giao thông công cộng, vì thành phố có chính sách trợ giá cho những người tham gia giao thông bằng các phương tiện này.
Hiện ứng dụng công dân số đang được hoàn thiện và sẽ ra mắt trong thời gian tới.
>> Chuyển đổi số trong nền công vụ đang thay đổi văn hóa, tư duy của khu vực công