Trong tuần giao dịch "thảm họa" của thị trường chứng khoán tuần 9 - 13/5/2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng mạnh trở lại và là nhân tố chính khiến thị trường đi xuống. Ngược lại, tổ chức nội ghi nhận mua ròng tốt.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng điều chỉnh mạnh trong tuần giao dịch 9 - 13/5/2022. Chỉ số VN-Index một lần nữa đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, những bluechips như VCB, MSN, TCB hay HPG trở thành những tác nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực nhất khiến VN-Index giảm mạnh.
Đóng cửa tuần, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11.02%) về mức 1.182,77 điểm; HNX-Index giảm 41,07 điểm (-11,96%) xuống 302.39 điểm và UPCoM-Index giảm 3% xuống mức 93,61 điểm.
Thanh khoản thị trường nhỉnh hơn so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.220 tỷ đồng/phiên - tăng 7% trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt 17.392 tỷ đồng/phiên - tăng 5,7%.
Trong tuần qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch có phần tiêu cực và là nhân tố chính khiến thị trường đi xuống. Ngược lại, tổ chức trong nước ghi nhận mua ròng tốt.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trở lại 3.486 tỷ đồng ở HOSE sau 2 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Cổ phiếu FPT bị bán ròng mạnh nhất với 420 tỷ đồng; DGC và MWG đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 300 tỷ đồng.
Trong khi đó, DIG được mua ròng mạnh nhất với 811 tỷ đồng; STB đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của các cá nhân với 417 tỷ đồng.
Ngược pha, các tổ chức trong nước mua ròng trở lại 1.804 tỷ đồng sau 2 tuần bán ròng liên tiếp (mua ròng 1.931 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất mã FPT với 420 tỷ đồng. MWG và MBB được mua ròng lần lượt 350 tỷ đồng và 214 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DIG bị bán ròng mạnh nhất với 840 tỷ đồng. FUEVFVND bị bán ròng 645 tỷ đồng. STB đứng thứ 3 trong danh sách bán ròng với 469 tỷ đồng.