Trái phiếu đến hạn - nỗi lo của ngân hàng
Thời gian qua, các ngân hàng đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 695 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu tháng 8/2023.
Tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 145.267 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 76,968 tỷ đồng).
Còn theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), riêng trong quý II/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý I/2023. Trong đó, một số ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu.
Agribank cũng công bố sẽ thực hiện mua lại trước hạn 3 tỷ đồng trái phiếu. Hay MSB vừa mua lại 1.000 trái phiếu trái phiếu đang lưu hành của mã MSBL2124005 được phát hành vào ngày 11/8/2021 có thời hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với 1.000 tỷ đồng.
Mới đây, VIB thông báo chi 250 tỷ đồng mua lại 2 trái phiếu trước hạn, có kỳ hạn 7 năm. Tương tự, TPBank đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, và là ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất trong quý II.
Ngân hàng được lợi gì?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá việc trái phiếu đến hạn là một trong những điều lo lắng của ngân hàng cũng như cơ quan quản lý. Thế nhưng, thực tế ngân hàng cũng như một số doanh nghiệp nhận thấy rằng, nếu cứ kéo dài thì lãi suất cũng tương đối cao, cũng không tốt.
Thứ hai, ngân hàng không quá cần lượng vốn quá nhiều, hoặc có thể phương hại đến chính bản thân ngân hàng, nên cần thu hẹp lượng trái phiếu cho phù hợp.
Thậm chí, nếu mua lại trái phiếu được sớm, phía ngân hàng có thể tận dụng việc nhiều nhà đầu tư không muốn giữ trái phiếu nữa, có thể bán trái phiếu theo giá tương đối hời so với lúc phát hành. Nhiều trái chủ thậm chí chỉ cần làm sao để lấy lại được vốn gốc.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thật ra, trái phiếu của ngân hàng khác với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt, là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nên rủi ro lớn, còn ngân hàng có điều kiện để thanh toán. Khi ngân hàng phát hành trái phiếu thì ít có rủi ro về thanh toán. Thêm nữa, để chi phí thấp hơn, các ngân hàng thường lựa chọn mua lại trước hạn.