Too Good To Go, một ứng dụng cung cấp cho người tiêu dùng những giỏ “túi bất ngờ” chứa thực phẩm dư thừa không bán được với giá rẻ, vừa tung ra một tính năng mới giúp các siêu thị giảm giá những mặt hàng hết hạn.
Các siêu thị đang bỏ lỡ nguồn doanh thu chưa được khai thác từ việc bán thực phẩm sắp hết hạn, khi các nhân viên lãng phí nhiều giờ đồng hồ để tìm kiếm các sản phẩm không còn hạn sử dụng và giảm giá chúng một cách thủ công.
Nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm này, Too Good To Go (TGTG) - một công ty Đan Mạch 8 năm tuổi - hiện đang chuyển sang kinh doanh hàng hóa sắp hết hạn cho các cửa hàng tạp hóa.
Bắt đầu từ tháng 1/2024, TGTG đã đưa ra một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các siêu thị về vấn đề hàng hóa hết hạn. Công ty sẽ bắt đầu triển khai công nghệ này trên toàn cầu với chuỗi siêu thị quốc tế SPAR.
Giám đốc điều hành TGTG Mette Lykke cho biết: “Hàng ngày, tại các cửa hàng tạp hóa, nhân viên phải đi vòng quanh và kiểm tra thủ công tất cả các sản phẩm khác nhau để xem có sản phẩm nào sắp hết hạn hay không”.
Lykke mô tả đây là một quá trình tốn thời gian và dễ mắc lỗi do các sản phẩm có hạn sử dụng ngắn thường được phát hiện quá muộn và theo cô, việc giảm giá nhằm mục đích khuyến khích mua hàng có thể khiến doanh thu tiềm năng bị bỏ ngỏ.
Theo Bloomberg, phần mềm của TGTG sẽ dựa vào hành vi của khách hàng, tính thời vụ và nhiều yếu tố khác để ước tính khả năng bán được sản phẩm tại bất kỳ thời điểm nào, sau đó đề xuất mức chiết khấu khi mặt hàng đó sắp đến ngày hết hạn.
Công cụ này còn giúp nhân viên theo dõi hạn sử dụng sao cho họ chỉ cần kiểm tra thủ công từ 1% đến 7% sản phẩm. Đồng thời tính năng mới cũng thông báo thời điểm thực phẩm có thể được quyên góp hoặc bán với mức chiết khấu cao thông qua ứng dụng cùng tên của Too Good To Go.
Ông Jorgen Dejgaard Jensen, giáo sư Đại học Copenhagen, người nghiên cứu về nền kinh tế lãng phí thực phẩm, nhận định lạm phát đang thúc đẩy nhu cầu đối với những hàng hóa còn ít hạn vốn có giá rẻ hơn.
Nhiều siêu thị cũng ngày càng tập trung vào việc sử dụng các chương trình giảm giá và khuyến mãi cho các sản phẩm sắp hết hạn để hạn chế lãng phí thực phẩm và củng cố lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vẫn có nguy cơ thực phẩm gần hết hạn cuối cùng sẽ bị vứt vào thùng rác tại nhà.
Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 30% thực phẩm được sản xuất để tiêu thụ bị lãng phí trên toàn cầu, chiếm 8% đến 10% lượng khí thải nhà kính.
Viện Nghiên cứu Bán lẻ châu Âu (EHI) tiết lộ thực phẩm bị bỏ đi khiến siêu thị thiệt hại trung bình khoảng 1,6% doanh thu thuần - con số đáng kể trong một ngành nổi tiếng với tỷ suất lợi nhuận thấp.
Kể từ cuối năm 2015, Too Good To Go đã giải quyết tình trạng này thông qua ứng dụng của mình. Ứng dụng này kết nối người tiêu dùng ở Mỹ, Canada và 15 quốc gia châu Âu với các nhà hàng, tiệm bánh và cửa hàng tạp hóa đang muốn bán bớt thực phẩm dư thừa.
Với giá khoảng 5 đến 10 USD, gần bằng 1/3 giá gốc, 85 triệu người dùng ứng dụng có thể mua một "giỏ hàng bất ngờ" từ các thương hiệu như Starbucks, Pret A Manger và Carrefour.
Dẫu vậy, phần lớn vấn đề lãng phí thực phẩm lại xảy ra ở nhà. Ở Mỹ và châu Âu, các hộ gia đình chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số thực phẩm bị lãng phí.
>> Trung Quốc công bố mô hình AI có thể dự báo thời tiết tại COP28