The Korea Herald mới đăng tải bài viết về cuộc sống sau thảm kịch Sewol của 3 người đã may mắn sống sót, những vết sẹo không thể xóa nhòa đã tạo nên sự trưởng thành và ước mơ của họ.
Vụ chìm phà Sewol đã khiến cho cả Hàn Quốc như trùng xuống, tất cả sự chú ý đều được dồn đến thân nhân của những người thiệt mạng.
Thảm họa thời bình đau thương nhất của Hàn Quốc đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, đòi quyền giải trình, bồi thường thích đáng từ phía những người thân của nạn nhân.
Nhưng sau một khoảng thời gian dài, phần lớn đất nước đã chuyển mình và tạm quên đi nỗi đau của thảm kịch trong khi Ansan dường như vẫn đóng băng trong đau buồn.
Mọi người đến thăm Lớp học tưởng niệm 4.16 tại trường trung học Danwon ở Ansan, hôm thứ Hai, để bày tỏ lòng nhớ thương đối với các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol vào ngày 16 tháng 4 năm 2014. Dòng chữ viết trên cửa sổ lớp học có nội dung: "Chúng tôi nhớ các bạn". Ảnh: Yonhap/The Korean Herald |
Vật lộn chống trọi với những cơn ác mộng
Ngày 16 tháng 4 năm 2014, 325 học sinh cùng 14 giáo viên của trường trung học Danwon ở Ansan, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc đã lên phà Sewol tới đảo Jeju để tham quan thực tế.
Cho Mun-jeong là một trong những học sinh tham gia chuyến đi, cô đã hy vọng mình sẽ có được một khoảng thời gian ngắn thư giãn để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Sau một tiếng “rầm” lớn vang vọng khắp phà, một thông báo được đưa ra qua hệ thống liên lạc nội bộ, kêu gọi hành khách không được di chuyển và kiên nhẫn chờ cứu hộ.
Một đài tưởng niệm hình con cá voi màu vàng nhìn ra sân chơi của trường trung học Danwon. Ảnh: internet |
Nhưng Mun-jeong đã nhanh chóng nhận ra rằng chiếc phà đang chìm khi thấy hành lang ngập đầy nước chỉ trong vài giây. Cô nữ sinh vội nắm tay bạn bè chờ đợi và tin rằng họ sẽ được giải cứu, nhưng không có ai đến cả.
Sau khi nhận ra chờ đợi chẳng có ích gì, Mun-jeong nhảy xuống nước cùng hai người bạn nhưng họ đã bị hút vào một hành lang khác.
“Mình sắp chết”, Mun-jeong đã nghĩ như thế.
Mun-jeong cố gắng chộp lấy thứ gì đó và kéo mình lên trên. Điều này đã giúp cô cùng những người bạn tiến về phía lối ra gần nhất.
Ba người cùng nắm tay nhau và nhảy lên khi tới lối ra, nhưng họ đã bị ngọn sóng đánh mạnh vào. Mun-jeong tuột mất tay của một người bạn và nhận ra mình đã mất người bạn này mãi mãi.
Hiện tại ở tuổi 27, cô vẫn phải chịu đựng những cơn ác mộng hàng ngày vì ký ức về việc không thể níu chặt bàn tay người bạn của mình.
Tự mình đương đầu với sự mất mát
Park Sun-young, một nữ sinh khác của Danwon. Cô cũng là người đã sống sót sau thảm kịch, nhưng là bởi vì cô không tham gia chuyến đi vào ngày hôm đó. Cô nhớ rằng các bạn của mình đã lo lắng về thời tiết vào 1 ngày trước khi lên đường vì nhà trường cho biết chuyến đi có thể bị hủy nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi. Nhưng sau đó nhà trường đã thông báo rằng họ quyết định vẫn tiếp tục chuyến tham quan.
Bạn bè đã nhắn tin cho cô và nói rằng đây sẽ là sự tự do cuối cùng của họ trước khi bước vào thời gian chuẩn bị đầy đủ cho Suneung, thời điểm các học sinh sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia vào cuối năm sau.
Thảm kịch chìm phà Sewol là một trong những bi kịch kinh khủng nhất trong lịch sử Hàn Quốc (Hình minh họa) |
Sun-young ngủ vào thời điểm chiếc phà đang chìm, cướp đi sinh mạng của những người bạn thân nhất và cả người thầy yêu quý của cô.
Cô cho biết mình đã mất trí nhớ cả tuần sau thảm kịch, "như thể ai đó cố tình cắt ký ức đó" ra khỏi cuộc đời cô vậy.
Trong số 325 học sinh trên tàu, chỉ có 75 người sống sót, tất cả đều được đưa vào một phòng khám trong hai tuần và một viện đào tạo trong 70 ngày để được nhận hỗ trợ sức khỏe tâm thần do chính phủ tài trợ.
Thế nhưng, khi đó Sun-young không thể nhận được sự hỗ trợ như vậy vì cô ấy không tham gia chuyến đi. Cô bị bỏ lại một mình, tự đương đầu với sự nhớ thương và mất mát.
Sun-young chỉ nhận được tài trợ từ các cá nhân để tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần mà cô ấy cần vào thời điểm đó. Những học sinh còn sống khác bắt đầu quan tâm đến Sun-young bằng cách mời cô ấy vào vòng kết nối của họ. Tuy nhiên, điều đó không đủ để lấp đầy cảm giác tội lỗi và trống rỗng mà cô cảm thấy.
“Tôi nhớ mình đã ước được chết thay cho bạn bè mình”, Sun-young nói.
10 năm che giấu mình là người đã sống sót sau tham kịch kinh hoàng
10 năm trôi qua, những người sống sót từ lớp thứ hai của Danwon đã bước vào trường đại học và trưởng thành - đây là cuộc sống đã bị khước từ đối với những người bạn đã mất mạng.
Đối với nhiều sinh viên còn sống sót, thập kỷ vừa qua là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, không thiếu những giai đoạn rơi vào trầm cảm và cảm giác lạc lõng trên một hành trình không bao giờ kết thúc.
Mun-jeong cho biết cô đã dành 10 năm qua để che giấu danh tính của mình là một người sống sót.
"Tôi đã che giấu danh tính của mình suốt nhiều năm chỉ vì không muốn điều đó ảnh hưởng tới suy nghĩ của người khác về tôi và về khả năng của tôi. Tôi biết rằng vẫn có những người có suy nghĩ tiêu cực về những người sống sót như chúng tôi", Mun-jeong nói với The Korean Herald.
Nữ sinh sống sót Park Sun-young cầm dải ruy băng màu vàng và cá heo bằng gỗ, biểu tượng của sự đồng cảm với thảm họa chìm phà Sewol, trong cuộc phỏng vấn ở Ansan, tỉnh Kyunggi. Ảnh: Lee Jaeeun/The Korea Herald |
Khi những học sinh sống sót sau thảm kịch bước vào đại học, một đạo luật đặc biệt đã được ra đời với những học sinh tốt nghiệp trường trung học Danwon, nhằm hỗ trợ khi họ nộp đơn vào các trường đại học. Nhưng chương trình tuyển sinh đặc biệt này đã tạo ra một làn sóng chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó, cho rằng nếu không có thảm kịch, chương trình tuyển sinh đặc biệt này đã có thể mở ra cánh cửa với tất cả những học sinh xấu số không bao giờ có cơ hội học đại học nữa.
Mun-jeong nói thêm: “Thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng tôi đã che giấu danh tính của mình là một người sống sót vì tôi sợ phải đối mặt với sự phán xét từ những người khác, những người có thể nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có khả năng đạt được những thành tựu như hiện tại. Tôi biết một số bạn khác cũng giấu danh tính vì lý do tương tự”.
Trong khi đó, Sun-young cho biết chứng ám ảnh xã hội đã tìm tới cô, mà theo cô thì đây là kết quả của việc thường xuyên tiếp xúc với báo chí địa phương và cảm giác tội lỗi khi không có mặt ở đó khi thảm kịch xảy ra, mà đã sống sót nhờ may mắn.
“Tôi tự hỏi, 'Mình có quyền gì để nói rằng bản thân đang bị tổn thương hay mình cũng là nạn nhân của hoàn cảnh này?' Điều đó đã cản trở tôi lên tiếng”.
Việc chữa lành những vết thương còn lại vẫn đang được tiến hành
Kim Do-yeon, một người sống sót khác, mới đây chia sẻ về quá trình học cách chấp nhận cảm xúc của mình liên quan đến thảm kịch. Cô nói rằng mình thường trốn tránh cảm giác đau khổ mỗi khi nghĩ về thảm kịch và sợ hãi phải đối mặt với cảm xúc đó. Tuy nhiên, gần đây, cô quyết định chấp nhận cảm xúc của mình thay vì giả vờ như chúng không tồn tại.
Khi được hỏi về cách cô đối phó với cảm giác mất mát trong 10 năm qua, Do-yeon cho biết cô đã viết thư cho những người bạn đã qua đời và thường đến thăm các đài tưởng niệm như Lớp học tưởng niệm ở Ansan. Việc lên tiếng về bi kịch với những người xung quanh đã giúp cô chữa lành vết thương.
Chiếc móc khóa thủ công của Kim Do-yeon, được cô làm để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch chìm phà Sewol và để tặng cho người qua đường tại các sự kiện công cộng. Ảnh: Lee Jung-joo/The Korea Herald |
Khi trở thành sinh viên của Đại học Nữ sinh Sookmyung vào năm 2016, Do-yeon nhớ lại việc trao những chiếc móc khóa có dải ruy băng màu vàng cho những bạn học của mình và tham gia các hoạt động "chữa lành" liên quan đến thảm kịch. Cô tự mình làm những bộ đồ và tham gia các chương trình tình nguyện ở Campuchia và Mông Cổ với sự hợp tác của UNICEF và Salvation Army để đền đáp tình yêu thương và sự quan tâm đã nhận được từ cộng đồng.
“Ngay sau thảm kịch, rất nhiều người đã gửi cho chúng tôi những món quà như giày, túi xách và những lá thư động viên mỗi ngày… Điều đó khiến tôi tự hỏi, "Suy nghĩ tích này này đến từ đâu vậy? Tôi cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều nên đã tham gia các chương trình tình nguyện để đáp lại tình yêu thương và sự quan tâm mà tôi nhận được cho những người gặp khó khăn”.
Sun-young cũng nhớ lại quá trình dần trở lại xã hội với sự giúp đỡ của các nhà hoạt động tình nguyện xung quanh.
Các học sinh sống sót trong thảm kịch chìm phà Sewol tham gia chương trình tình nguyện do Đội quân cứu tế ở Campuchia tổ chức. Ảnh: The Salvation Army Korea Territory |
Sun-young nói thêm rằng gần đây cô đã được liên hệ với tư cách là người sống sót sau thảm kịch chen lấn đám đông ở Itaewon hồi tháng 10 năm 2022.
Sun-young nói: “Sau thảm kịch Itaewon, tôi nhận ra rằng bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của thảm kịch, không chỉ những người liên quan trực tiếp như gia đình tang quyến hay những người đã không may qua đời. Không có mục đích hay lợi ích gì trong việc phân chia ai được coi là nạn nhân hay không”.
Hiện tại, Sun-young làm việc tại Hợp tác xã Sản xuất Điện Mặt trời của Công dân Ansan và là một trong những thành viên sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận Wounded Healer, nhằm kết nối với những người bị tổn thương tinh thần và cảm thấy bị tách biệt do ảnh hưởng của thảm kịch chìm phà Sewol.
Hình xăm ngày xảy ra thảm kịch Sewon của Do-yeon. Ảnh: Lee Jung-joo/The Korea Herald |
Trên cổ tay trái, Do-yeon có một hình xăm số “20140416”, đánh dấu ngày xảy ra thảm kịch. Cô cũng đeo một chiếc vòng tay màu vàng, tượng trưng cho sự đồng cảm với thảm kịch Sewol.
“Khi ai đó nhìn vào hình xăm của tôi, tôi hy vọng họ sẽ dành chút thời gian để suy nghĩ về thảm kịch đã xảy ra”, cô nói và cho biết thêm rằng cô mơ ước trở thành người thúc đẩy an toàn công cộng, ngăn chặn những thảm kịch như Sewol hay tình trạng chen lấn đám đông ở Itaewon sẽ xảy ra lần nữa.
*Theo The Korean Herald