Trung Nguyên Singapore kinh doanh ra sao sau khi "hồi hương"?
Năm 2015-2016, Tập đoàn Trung Nguyên mà đại diện là ông Vũ, đã kiện Trung Nguyên International ở Singapore và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vì giả mạo chữ ký để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản.
Tháng 4/2022, vụ ly hôn kéo dài 7 năm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chính thức khép lại.
Đáng chú ý, ông Vũ khi đó cho biết đã tự nguyện giao tài sản chung của hai vợ chồng tại Công ty Trung Nguyên International ở Singapore cho bà Thảo. Trong khi bà Thảo trả lời báo giới rằng đây là tài sản của riêng bà và các con tự lập, không liên quan gì đến ông Vũ.
Hành trình sóng gió
Theo tìm hiểu, bà Thảo thành lập Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd tại Singapore (viết tắt là TNS, sau này đổi tên là Trung Nguyen International Pte., Ltd – viết tắt là TNI), với hoạt động chính là kinh doanh cà phê, cửa hàng cà phê (bao gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu).
Trên Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN ngày 7/7/2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng chứng nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án TNS.
"Khi ấy, với 50.000 SGD, tôi đăng ký thành lập công ty Trung Nguyên Singapore (TNS), tự đứng tên và chịu trách nhiệm", bà Thảo chia sẻ.
Đến năm 2011, bà Thảo đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho ông Vũ. Việc chuyển nhượng đã được hoàn tất vào ngày 23/1/2013, kết quả là ông Vũ nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông của Trung Nguyên Singapore.
Theo báo cáo tài chính các năm (2015-2017) của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, Trung Nguyên Singapore là công ty con 100% sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.
Năm 2015, cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore lại nhận được văn bản thực hiện việc chuyển giao hơn 7,5 triệu cổ phần phổ thông do ông Vũ sở hữu sang bà Thảo.
Ông Vũ ngay sau đó đã tố cáo lên các nhà hành pháp của Singapore, vì cho rằng bà Thảo đã chiếm đoạt con dấu và làm giả chữ ký của ông trong văn bản chuyển nhượng cuối cùng này.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định mình là người duy nhất điều hành TNS kể từ khi thành lập, cho rằng giá trị tài sản của TNS chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối tài sản chung nên bà không cần lừa đảo để chiếm đoạt như văn bản tố cáo từ phía ông Vũ.
Quay trở về Việt Nam và phát triển bùng nổ
Tháng 10/2016, Trung Nguyên International lần đầu cho ra mắt thương hiệu King Coffee tại Mỹ, sau đó mở rộng nhanh chóng sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…
Tháng 4/2017, với việc khánh thành nhà máy TNI KING COFFEE tại tỉnh Bình Dương, King Coffee đánh dấu sự trở lại Việt Nam. Sau đó, đến tháng 7/2017, King Coffee bắt đầu phân phối các sản phẩm của King Coffee trên chính đất nước sản xuất ra nó.
Giai đoạn 2016 – 2017 chứng kiến TNI vươn lên mạnh mẽ cả về quy mô, sản lượng và các dòng sản phẩm.
Gần đây, King Coffee đã lọt Top 10 công ty cà phê hàng đầu Đông Nam Á năm 2023 của tạp chí Asia Business Outlook - tạp chí kinh doanh hàng đầu của Châu Á, đồng thời hình ảnh bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng được chọn để đưa lên trang bìa của tạp chí.
King Coffee được sự công nhận quốc tế khi có mặt tại hơn 120 quốc gia, trong đó có hệ thống siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ với 622 cửa hàng, theo Asia Business Outlook.
Thương hiệu này cũng được các đối tác lớn tìm đến như Costco, Carrefour, Lulu Hypermarket, Amazon, Alibaba. Với sự hiện diện vững chắc trên T-Mall của Alibaba, thương hiệu King Coffee đã nhanh chóng trở thành một trong bốn thương hiệu bán chạy nhất kể từ khi gia nhập thị trường Trung Quốc vào tháng 3/2017.
Bên cạnh đó, King Coffee còn tạo ra 3 mô hình nhượng quyền Luxury Café, Premium Café, Grab & Go Café. Tại Việt Nam, hệ thống nhượng quyền của King Coffee hiện có hơn 50 cửa hàng và 15 đơn vị. Trên thế giới, các nước Anh, Hàn Quốc, Thái Lan và Pakistan đã có nhượng quyền chính của King Coffee.
Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tung chương trình tri ân đặc biệt
Khối tài sản sau ly hôn của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ giờ ra sao?