Trung Quốc bất ngờ gặp gỡ hàng loạt 'ông lớn' phố Wall trước khi ông Trump nhậm chức: Chuyện gì đang xảy ra?
Truyền thông tài chính Trung Quốc mô tả các cuộc gặp gỡ của Phó Thủ tướng He Lifeng với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở cửa lĩnh vực tài chính và thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong lâu dài.
Gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng đã gặp gỡ một số lãnh đạo trong ngành tài chính Mỹ. Ông He là một trong bốn Phó Thủ tướng của Trung Quốc, là người đứng đầu Ủy ban Tài chính và Kinh tế quốc gia.
Theo CNBC, Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng mối quan hệ với Phố Wall trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiến hành kế hoạch thuế quan với Trung Quốc.
Cụ thể, ông He đã đến gặp COO John E. Waldron của Goldman Sachs ngày 4/12 và CEO Larry Fink của Black Rock ngày 5/12. Trước đó vào ngày 21/11, ông cũng trò chuyện với CEO Jane Fraser của Citigroup.
Ông He còn gặp gỡ CEO Andrew Scholossberg của Invesco tại Bắc Kinh hôm 12/11 và Chủ tịch Mark Tucker của Tập đoàn HSBC ngày 14/11, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Nhà sáng lập Peter Alexander của công ty tư vấn Z-Ben Advisors bình luận: “Trung Quốc đang tìm mọi cách có thể để tiếp cận những người sẽ nắm quyền lực ở Washington. Khi xây dựng các đường dây liên lạc, Trung Quốc sẵn sàng thực hiện những cuộc thương lượng ngoài hành lang”.
Đối với Nội các của mình, ông Trump đã lựa chọn không dưới 10 tỷ phú, trong đó có hai nhân vật lớn trong ngành là nhà quản lý quỹ đầu cơ Scott Bessent và CEO Howard Lutnick của Cantor Fitzgerald. Ông Bessent được đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, còn ông Lutnick là vị trí Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Nhà nghiên cứu Clark Packard tại Viện Cato đánh giá: “Tôi nghĩ những người Phố Wall sắp gia nhập Bộ Thương mại và Bộ Tài chính sẽ đóng vai trò điều tiết so với phe theo chủ trương bảo hộ thương mại. Nhưng tác động của họ cũng chỉ mang tính tương đối bởi chắc chắc Mỹ sẽ thực hiện một số động thái mang tính bảo hộ thương mại. Vai trò của họ là giảm hành động thái quá”.
Ông nói tiếp: “Những người ở Bộ Tài chính khá lo lắng về phản ứng thị trường. Có thể, điều duy nhất có thể ngăn ông Trump thực thi chính sách thương mại cực kỳ gay gắt là phản ứng của thị trường”.
Chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận năm thứ hai liên tiếp đạt được mức tăng hơn 20% - một thành tựu khá hiếm hoi. Sau khi sụt giảm vào đầu năm nay, chứng khoán Trung Quốc bắt đầu phục hồi khi Bắc Kinh báo hiệu thay đổi lập trường về các biện pháp kích thích từ cuối tháng 9.
Quyết định thế nào?
Zongyuan Zoe Loiu, học giả cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, chỉ ra rằng những hành động như hội họp với các nhà lãnh đạo Phố Wall và hạn chế xuất khẩu khoáng sản thiết yếu cho thấy Bắc Kinh vẫn đang để ngỏ quyết định của mình.
Bà đánh giá Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Nhưng bà cũng lưu ý rằng các tổ chức tài chính khó có thể tác động đến chính sách thuế quan và giảm bớt căng thẳng Mỹ - Trung.
Truyền thông tài chính Trung Quốc mô tả các cuộc gặp gỡ của Phó Thủ tướng He Lifeng với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mở cửa lĩnh vực tài chính và thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong lâu dài.
Dòng vốn ngoại thường được truyền thông nhà nước Trung Quốc coi là biểu tượng thể hiện sự ủng hộ dành cho thị trường nội địa.
Winston Ma, Giáo sư Trường Luật thuộc Đại học New York, bình luận: “Các thị trường vốn Mỹ - Trung có thể được coi khía cạnh năng động và gắn kết chặt chẽ nhất giữa hai nước trong 20 năm qua. Khi mối quan hệ tài chính xuyên biên giới mang tính xây dựng và hợp tác, nó có thể đem đến sự thịnh vượng cho cả hai nước, ngược lại thì đôi bên sẽ cùng chịu thiệt hại”.
Theo CNBC
>> Siêu cường lung lay: Có thể mất một nửa dân số, nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Á lao đao