Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa Đông Nam Á
Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường mua hàng từ các nước láng giềng Đông Nam Á khi tăng trưởng thương mại trong khu vực chậm lại do nhu cầu suy yếu.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vào cuối tuần qua, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu các sản phẩm cạnh tranh và đặc biệt hơn từ các nước ASEAN”.
ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 2020, vào giai đoạn căng thẳng giữa Bắc Kinh với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5,6% do thương mại với các đối tác thương mại lớn là Mỹ và EU giảm sút. Nhập khẩu trong cùng kỳ giảm 7,6%, sau khi đơn đặt hàng cho cả màn hình LCD và sản phẩm thép giảm 27%.
Sự sụt giảm này được hỗ trợ bởi các chuyến hàng đến ASEAN, khu vực đang ngày càng chuyển hướng sang Trung Quốc thay cho Nhật Bản và các nước phát triển khác để mua hàng điện tử và máy móc giá rẻ.
Bài phát biểu của ông Lý đã khởi đầu hội chợ Trung Quốc-ASEAN kéo dài 4 tại thành phố Nam Ninh. Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nước trong khu vực cải thiện khả năng kết nối và chuỗi cung ứng công nghiệp.
Thương mại giữa Trung Quốc và khối khu vực đã bị mất cân bằng, với việc Trung Quốc vận chuyển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn sang ASEAN, trong khi nhập khẩu nguyên liệu thô và nông sản. Thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc tăng 69% trong 5 năm tính đến năm 2022.
Sự mất cân bằng đã được thể hiện tại hội chợ tại Nam Ninh, với số lượng lớn thương nhân Đông Nam Á bán sầu riêng và đồ nội thất. Mặt khác, các công ty Trung Quốc lại trưng bày máy móc hạng nặng, xe điện và các mặt hàng công nghệ cao khác.
Giám đốc điều hành của nhà sản xuất nhôm Quảng Tây Pinglu Group cho biết tại hội chợ: “Chúng tôi hy vọng sẽ giao thương nhiều hơn với các nước Đông Nam Á vì thị trường nội địa đang trì trệ. Việc kinh doanh với các khách hàng lớn của chúng tôi ở Mỹ và châu Âu đang trở nên khó khăn hơn do vấn đề địa chính trị”.
Trong khi tổng xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm, một điểm sáng đã nổi lên là ngành sản xuất ô tô. Nước này đã vượt Nhật Bản trong quý 1 năm nay để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2023, Thái Lan và Philippines nằm trong số 10 khách hàng mua xe Trung Quốc nhiều nhất, doanh số bán hàng của hai quốc gia này tăng 74% lên 2,7 triệu chiếc.
Bill Russo, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automobileity có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Xuất khẩu tăng có liên quan trực tiếp đến sự yếu kém trong nước khi các nhà sản xuất tìm kiếm một van an toàn để giảm bớt tình trạng dư thừa công suất”.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Cường cũng kêu gọi ASEAN phản đối “chủ nghĩa bảo hộ”, ám chỉ rõ ràng đến chiến dịch giảm thiểu rủi ro do Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác dẫn đầu nhắm vào Trung Quốc.
Safwan Nizar Johari, một quan chức lãnh sự quán Malaysia tại Quảng Châu cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi hàng ngày từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp này nói rằng họ rất muốn đầu tư vào Malaysia.”
Malaysia và nhiều thành viên ASEAN đã nỗ lực tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột Mỹ-Trung trong khi tận dụng sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Theo Boston Consulting Group, thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng trưởng khiêm tốn 6% từ năm 2017 đến năm 2022. Trong cùng thời gian, thương mại của ASEAN với Mỹ tăng 98%, trong khi thương mại với Trung Quốc tăng 95%.
Ca ngợi mối quan hệ hiệu quả của ASEAN với Trung Quốc, Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin hôm Chủ nhậtcho biết "sự hội nhập của nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ vượt qua các rào cản để đạt được tiềm năng thực sự của thương mại ASEAN-Trung Quốc".
Loại trái cây từng dành cho giới nhà giàu, nay tràn ngập chợ Việt với mức giá 'không tưởng'
Triệt phá 263 nhóm tội phạm, lật tẩy 100 tổ chức tài chính ngầm với gần 12 tỷ USD giao dịch phi pháp