Trung Quốc đối mặt với ‘tâm bão’: Ông Trump đắc cử, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết?
Nếu so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thiệt hại kinh tế đối với Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được dự đoán sẽ lớn hơn nhiều.
Trung Quốc đã bị tổn thương nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua bầu cử Tổng thống vào tháng 11, vòng hai sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã tuyên bố rằng ông sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% hoặc hơn thế, nếu ông thắng cử Tổng thống năm nay.
Theo đó, thiệt hại kinh tế đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với trong quá khứ, vì thuế quan sẽ cao hơn và nền kinh tế Trung Quốc hiện đã trở nên dễ bị tổn thương hơn nhiều so với trước đây.
Ông Matthew Gertken, chiến lược gia trưởng tại BCA Research, cho biết: "Ông Trump sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc vốn đang suy giảm”.
Cuộc chiến thương mại nổ ra vào năm 2018, khi ông Trump áp thuế lên tới 25% đối với 350 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc—chiếm 65% tổng số hàng nhập khẩu năm 2018. Rất nhiều mặt hàng bị đánh thuế, từ tấm pin mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc là bên chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng tác động của nó không kéo dài. Xuất khẩu của quốc gia tỷ dân đã phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng phương Tây đổ xô mua sắm các thiết bị điện tử và đồ gia dụng.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tìm được thị trường mới, được hỗ trợ bởi chính sách của Nhà nước và giá cả thấp. Tháng 6, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục gần 100 tỷ USD, được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á.
Sự gia tăng xuất khẩu là điểm sáng cho nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản tại nước này hiện đã bước sang năm thứ 3.
Chịu tổn thương bởi thị trường bất động sản diễn biến tiêu cực và ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch, người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang thắt chặt hầu bao. Tài chính của chính quyền địa phương đang chịu áp lực nghiêm trọng và niềm tin của khu vực tư nhân đang xuống thấp.
Sự phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu khiến Trung Quốc nhạy cảm hơn nhiều với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Patrick Zweifel, nhà kinh tế trưởng tại Pictet Asset Management, ước tính rằng nếu bà Kamala Harris tiếp tục áp dụng chính sách thuế quan có chọn lọc của chính quyền Tổng thống Biden, điều này có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khoảng 0,03% vào năm tới.
Việc tăng thuế lên 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, như ông Trump đã đề xuất, sẽ có tác động lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới 1,4%, kéo tăng trưởng năm 2025 của nước này xuống còn khoảng 3,4% từ mức dự kiến là 4,8%.
UBS ước tính mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP khoảng 2,5% trong 12 tháng sau khi áp dụng. Mức giảm có thể chỉ là 1,5% nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp ứng phó.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể để đồng nhân dân tệ giảm giá thêm, kéo dài thời hạn hoàn thuế và các ưu đãi khác cho các nhà xuất khẩu, đồng thời cắt giảm lãi suất. Họ có thể cố gắng buộc Mỹ phải xem xét lại bằng cách trả đũa, chẳng hạn như tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ, giữ lại nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng và có thể bán các tài sản của Mỹ, chẳng hạn như trái phiếu Kho bạc, theo Goldman Sachs.
Các nghiên cứu do các trường đại học ở Trung Quốc và Đại học Stanford công bố cho thấy đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump không chỉ làm giảm xuất khẩu mà còn làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, gây tổn hại đến lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời kìm hãm đầu tư và tuyển dụng.
Các nhà kinh tế cho biết những tác động đó sẽ lặp lại và khuếch đại hơn rất nhiều bởi ông Trump sẽ áp thuế đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đang chịu áp lực từ nhu cầu yếu và tình trạng cung vượt cầu kéo dài. Chỉ số giá sản xuất đã giảm trong gần 2 năm.
“Một công ty hoạt động với biên lợi nhuận 5% hoặc 6% không thể chịu được mức thuế 60%”, Nick Borst, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners, một công ty quản lý tài sản tại California tập trung vào các thị trường mới nổi, cho biết.
Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã định hướng lại một số mặt hàng xuất khẩu ra khỏi Mỹ sang các nền kinh tế đang phát triển. Với thị trường Mỹ thực sự bị đóng cửa bởi mức thuế 60%, Trung Quốc sẽ buộc phải bán nhiều hơn cho các thị trường khác. Tuy nhiên, một số nước như Ấn Độ, Brazil và Mexico hiện đang phản đối hàng nhập khẩu từ Trung Quốc do lo ngại về việc làm và ngành công nghiệp trong nước.
“Nếu Trung Quốc về cơ bản bị loại khỏi thị trường Mỹ, họ sẽ phải đẩy hàng hóa của mình đến các điểm đến khác. Và các điểm đến khác có thể không chấp nhận điều đó”, Adam Slater, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết.
Trung Quốc có thể xoa dịu những căng thẳng như vậy bằng cách xây dựng các nhà máy ở nước ngoài để phục vụ thị trường địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phản ứng trái chiều về việc mở rộng ra nước ngoài, theo Borst, vì điều này có thể đồng nghĩa với giảm việc làm trong ngành sản xuất ở quê nhà.
Theo WSJ, Reuters
>> Cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng nóng lên: Ông Trump giảm tốc, Đảng Dân chủ 'tăng ga'?