Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn về cuộc chiến chống tham nhũng
Một ngày trước cuộc họp quan trọng của cơ quan chống tham nhũng, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng chương trình về nỗ lực chống tham nhũng ở cấp cơ sở hiệu quả như thế nào, xua tan những ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nới lỏng kiểm soát.
Trụ sở của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Tập đầu tiên trong 4 tập của loạt phim tài liệu "Chống tham nhũng vì nhân dân" được phát sóng tối 5/1, tập trung vào các vụ tham nhũng vặt như hiệu trưởng trường tiểu học ở vùng đông bắc nhận tiền “cắt phế” từ các bữa ăn cung cấp cho học sinh và một quan chức ở vùng nông thôn Tứ Xuyên nhận hối lộ từ các nhà thầu dự án trang trại.
Năm ngoái, Trung Quốc thực hiện hàng loạt vụ án chống tham nhũng cấp cao, bắt giữ nhiều cá nhân, từ phó thống đốc ngân hàng trung ương đến cựu chủ tịch của công ty dầu khí quốc gia. Trong danh sách đó còn có ông Miêu Hoa, cựu Chính ủy Hải quân, người đã mất uy tín vào thời điểm Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và tăng cường mức độ sẵn sàng chiến đấu.
Để dập tắt mọi ý nghĩ rằng Đảng Cộng sản do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo đang nới lỏng kiểm soát, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) đưa ra tuyên bố cách đây vài ngày rằng có tới 58 quan chức cấp cao, bị điều tra trong năm ngoái.
Cơ quan giám sát chống tham nhũng họp từ ngày 6-8/1 để thống nhất các nhiệm vụ trong năm 2025, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Năm ngoái, 47 trong số các quan chức bị điều tra là cấp thứ trưởng trở lên, trong đó có ông Đường Nhân Kiện - cựu bộ trưởng nông nghiệp và nông thôn, và ông Quách Trọng Văn - cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao.
Kể cả các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu cũng không được tha, như trường hợp ông Vương Nghị Lâm - cựu chủ tịch kiêm bí thư đảng ủy Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc.
GS. Andrew Wedeman, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học bang Georgia (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chống tham nhũng mạnh mẽ.
"Tôi không nghĩ ông Tập sẽ lùi bước vào thời điểm này. 12 năm từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng, vấn đề này vẫn diễn biến nghiêm trọng ở cấp cao nhất của đảng, nhà nước và quân đội”, GS. Wedeman nói với Reuters.
Chiến dịch chống tham nhũng diễn ra mạnh mẽ trong quân đội Trung Quốc từ năm 2023. Ông Lý Thượng Phúc bị cách chức bộ trưởng quốc phòng sau 7 tháng. Người tiền nhiệm là ông Ngụy Phượng Hòa bị khai trừ khỏi đảng vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Trung Quốc thừa nhận các nỗ lực chống tham nhũng của họ đang gặp phải thách thức mới, khi các hình thức tham nhũng truyền thống như nhận tiền mặt chuyển sang cách tinh vi hơn.
"Nếu một doanh nhân có thể đưa tiền trực tiếp cho tôi, tôi sẽ từ chối. Nhưng nếu ông ấy đưa bằng cổ phiếu hoặc tài sản khác, không phải trực tiếp cho tôi mà cho gia đình tôi, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác ", Phạm Nhất Phi - cựu phó thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, cho biết. Quan chức này bị kết án tử hình với 2 năm hoãn thi hành án.
Loạt phim tài liệu đang chiếu trên truyền hình Trung Quốc cho thấy ngay cả những quan chức cấp thấp trong bộ máy chính quyền rộng lớn của Trung Quốc cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng.
"So với những 'con hổ' ở xa, dư luận cảm nhận rõ hơn nếu những người gần họ bị trừng phạt vì tham nhũng”, GS. Sun Laibin, công tác tại Trường Mác-xít thuộc Đại học Bắc Kinh, nói trong chương trình.
Ông cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng phải chạm đến "trái tim" của quần chúng, để họ có thể "cảm nhận sâu sắc" sự quan tâm của đảng.
>>Tổng Bí thư Tô Lâm: tiếp tục phòng, chống tham nhũng theo phương châm không ngừng, không nghỉ
Chính thức từ 7/2025, vận hành cơ quan thanh tra di sản văn hóa để chống tham nhũng
Nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng, đất nước sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới