Trung Quốc lập kỷ lục với 'siêu mạng lưới' bao phủ 150 quốc gia, Đông Nam Á là điểm đến chiến lược
Trong nửa đầu năm 2025, giá trị các hợp đồng xây dựng và đầu tư mới mà Trung Quốc ký kết tại các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) đã đạt mức kỷ lục, phản ánh chiến lược mở rộng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại với các đối tác.
Báo cáo từ Đại học Griffith (Úc) phối hợp với Trung tâm Tài chính Xanh và Phát triển (GFDC) tại Bắc Kinh cho thấy, Trung Quốc đã ký tổng cộng 176 hợp đồng với trị giá lên tới 124 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm – vượt qua tổng giá trị 122 tỷ USD của cả năm 2024.
“Đây là cú bứt tốc bất ngờ, ngay cả khi BRI vẫn duy trì đà tăng trưởng đều đặn kể từ sau Covid-19”, ông Christoph Nedopil Wang – tác giả báo cáo – nhận định. “Điểm đặc biệt của năm 2025 là quy mô: nhiều thương vụ lớn, mỗi thương vụ đều trên 10 tỷ USD”.

Trái ngược với đà mở rộng mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump lại đang siết chặt thương mại toàn cầu bằng loạt thuế quan trừng phạt, khiến môi trường đầu tư quốc tế ngày càng bất ổn.
Bối cảnh tăng trưởng trong nước chậm lại và căng thẳng thương mại do chính sách thuế của Mỹ đã buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường và chuỗi cung ứng mới ở nước ngoài. Ngược lại, nhiều quốc gia BRI coi đây là cơ hội để thắt chặt quan hệ với Trung Quốc giữa những biến động địa kinh tế toàn cầu.
BRI đạt mốc 1.300 tỷ USD, châu Phi và Trung Á hút vốn mạnh nhất
Ra mắt năm 2013, Sáng kiến Vành đai – Con đường là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng kinh tế và thương mại của Trung Quốc tại hơn 150 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển.
Tính đến giữa năm 2025, tổng giá trị các hợp đồng và đầu tư trong khuôn khổ BRI đã lên tới 1.300 tỷ USD, trong đó khoảng 775 tỷ USD là các dự án xây dựng và 533 tỷ USD là đầu tư phi tài chính.
Chỉ riêng mảng năng lượng, Trung Quốc đã rót vốn mạnh tay nhất kể từ khi khởi động BRI năm 2013. Trong nửa đầu năm 2025, giá trị các hợp đồng năng lượng tại châu Phi lên tới 39 tỷ USD và tại Trung Á là 25 tỷ USD.
Các hợp đồng xây dựng và đầu tư vào lĩnh vực dầu khí đạt mức cao kỷ lục khoảng 44 tỷ USD – vượt qua cả năm 2024, trong đó riêng Nigeria chiếm 20 tỷ USD nhờ dự án nhà máy xử lý dầu.
Kazakhstan trở thành đối tác BRI thu hút đầu tư nhiều nhất, với 23 tỷ USD trong nửa đầu năm. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latin ghi nhận mức đầu tư thấp nhất trong vòng 10 năm.
Đáng chú ý, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và xử lý rác phát điện cũng tăng vọt, đạt gần 10 tỷ USD. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào nhiệt điện than và đổ tới gần 25 tỷ USD vào ngành khai khoáng – mức cao nhất từ trước đến nay.
Đông Nam Á vươn lên thành điểm đến chiến lược
Tổ chức Rhodium Group (Mỹ) cũng ghi nhận xu hướng tương tự, với 15,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được Trung Quốc công bố tại các nước BRI trong quý I/2025 – tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Rhodium cho rằng Đông Nam Á đóng vai trò then chốt trong làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Theo báo cáo của Griffith và GFDC, Đông Nam Á là khu vực hút vốn FDI nhiều thứ hai, chỉ sau Trung Á, với tổng dòng vốn đạt gần 11,3 tỷ USD.
Bà Rebecca Ray – chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu (Boston University) – nhận định BRI đang dần chuyển hướng từ cho vay có chủ quyền sang đầu tư trực tiếp, khi sáng kiến này bước vào giai đoạn trưởng thành.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy giá trị tài sản vốn của Trung Quốc ở nước ngoài đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2018–2023, trong khi con số này của Mỹ chỉ là 21%.
“Việc chuyển sang FDI có thể giúp tránh tạo ra các vấn đề nợ công như trước đây,” bà Ray nói, ám chỉ những chỉ trích rằng Trung Quốc đang đưa các nước nghèo vào “bẫy nợ” thông qua BRI.
Cũng theo bà Ray, căng thẳng thương mại giữa phương Tây và các quốc gia “Nam bán cầu” sẽ càng thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác BRI. Trung Quốc hiện đã gỡ bỏ thuế nhập khẩu cho nhiều quốc gia châu Phi, trong khi họ lại phải đối mặt với rào cản thuế carbon tại châu Âu và thuế mới từ Mỹ.
“Dòng chảy thương mại sẽ sớm điều chỉnh để thích ứng với thực tế mới, và xu hướng đầu tư cũng sẽ đi theo,” bà Ray dự đoán.
Theo FT
>> Cuộc đua xuống đáy khiến giới chức Trung Quốc nổi giận, mở cuộc điều tra toàn ngành tài chính