Chính quyền Trung Quốc vạch kế hoạch để C919 có thể giành được 10% thị phần nội địa vào năm 2025.
Dòng máy bay chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc sản xuất đã có chuyến bay thương mại đầu tiên, đánh dấu một cột mốc mới trong nỗ lực phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus trong sản xuất máy bay thương mại toàn cầu.
Cụ thể, chuyến bay MU919 đã khởi hành từ thành phố Thượng Hải vào lúc 10h32 ngày 28/5 (theo giờ địa phương), chở theo 128 hành khách và đã hạ cánh an toàn ở thủ đô Bắc Kinh.
Chiếc C919 mang số hiệu MU9191 của China Eastern Airlines trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 28/5. |
Chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 đánh dấu một cột mốc lớn trong hành trình nghiên cứu phát triển dòng máy bay chở khách thân hẹp của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) - một công ty nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải.
Hành trình phát triển và chế tạo C919 bắt đầu từ năm 2008. Sau 14 năm, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) mới chính thức cấp phép cho C919 hoạt động vào tháng 9/2022.
Sau khi trải qua chương trình thử nghiệm kéo dài từ năm 2017, đến tháng 12/2022, Comac chính thức bàn giao cho hãng hàng không China Eastern Airlines chiếc C919 đầu tiên trong tổng số 4 chiếc theo hợp đồng.
Triền vọng cạnh tranh với Airbus và Boeing
Chuyến bay thương mại đầu tiên của C919 đánh dấu một mốc quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm cả hàng không.
Trước đây Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã từng nhận định rằng Trung Quốc sẽ không được coi là một “cường quốc thực sự” cho đến khi nước này phát triển được máy bay chở khách của riêng mình.
Tờ South China Morning Post dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Merics cho biết, dù đang phụ thuộc vào phụ tùng nước ngoài nhưng C919 có thể phá thế thống trị của Boeing và Airbus tại thị trường nội địa, thậm chí tiến xa hơn trên trường quốc tế.
Chính quyền Bắc Kinh đã vạch kế hoạch để C919 có thể giành được 10% thị phần nội địa vào năm 2025.
Cũng theo báo cáo, nhờ quy mô thị trường hàng không của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rất lớn, cùng với chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp nội địa, ngành sản xuất hàng không vũ trụ của đất nước tỷ dân chủ yếu do doanh nghiệp Nhà nước thống lĩnh nên C919 có lợi thế rất lớn để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược trong thị trường hàng không nội địa.
Năm 2022, dòng máy bay 737 của Boeing đã tụt xuống sau cả C919 về lượng đơn đặt hàng mới. Cụ thể, Comac thông báo đã nhận được 305 đơn đặt hàng cho C919 tại Trung Quốc, trong khi Boeing chỉ nhận được 116 đơn đặt hàng cho dòng Boeing 737 của mình cùng năm, theo báo cáo từ Merics.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Boeing 737 MAX đã bị dừng bay tại Trung Quốc trong hơn 4 năm sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng ở Indonesia và Ethiopia, tới tháng 1 vừa qua mới được quay trở lại hoạt động.
Tính tới tháng 1/2023, Comac cho biết công ty đã nhận được tổng cộng hơn 1.200 đơn đặt hàng C919. |
Mặc dù sự ra mắt của C919 đánh dấu điểm khởi đầu trong việc thách thứ Boeing và Airbus, tuy vậy, không thể phủ nhận rằng hai hãng này đều có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Do đó, “phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới chứng kiến một sự thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu và điều đó sẽ phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của C919”, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho biết.
Ba hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc gồm China Southern Airlines, Air China, China Eastern Airlines cũng mới chỉ đặt 20 chiếc C919 trong khi đã đặt tổng cộng 294 đơn hàng cho dòng máy bay A320 của Airbus và 737 của Boeing.
Thách thức đối với tương lai của C919
Đầu tiên, Comac vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài cho các bộ phận quan trọng như động cơ, hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc hay thiết bị hạ cánh.
Để cải thiện vấn đề này, hãng cũng đã nỗ lực để thay thế một số bộ phận nước ngoài của C919 như sử dụng động cơ phản lực nội địa thay cho động cơ do liên doanh giữa công ty của Mỹ và Pháp chế tạo.
Thứ hai là ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Thậm chí một số công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc - một cổ đông của Comac - còn bị liệt vào danh sách hạn chế của Bộ Tài chính Mỹ.
Thứ ba là về vấn đề giá bán. Một chiếc C919 có giá ước tính gần 100 triệu USD, trong khi mức giá Comac tuyên bố trước đó chỉ hơn 50 triệu USD. Cũng phải nói rằng giá thành của mỗi chiếc máy bay phụ thuộc vào quy mô đơn hàng, nhưng con số gần 100 triệu USD vẫn khiến C919 trở nên kém hấp dẫn đối không chỉ trong thị trường nội địa của Trung Quốc mà cả quốc tế.