Dòng máy bay 'made in China' Vietnam Airlines đang quan tâm: Giá chưa tới 100 triệu USD, nhiều khách Việt từng được 'trải nghiệm'
Vừa ra mắt trong vòng 1 năm, hãng đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng dòng máy bay này.
Ngành hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác của các hãng bay.
Nguyên nhân một phần là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney đang được sử dụng trên một số tàu bay A321, 320 NEO. Dù là một hãng hàng không lớn nhưng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu hụt đội bay này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hôm 21/6, Vietnam Airlines cho hay đang tìm các giải pháp để khắc phục vấn đề thiếu hụt tàu bay nghiêm trọng mà hãng đang đối mặt, trong đó có cả phương án xem xét dòng máy bay C919 của Trung Quốc.
C919 là sản phẩm được Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) thai nghén, phát triển suốt 15 năm. Chiếc máy bay này được tạo ra để cạnh tranh trực tiếp với mẫu Airbus 737 Max và Boeing A320 thông dụng trên toàn cầu.
Về thông số, bản tiêu chuẩn của C919 có sức chứa 192 hành khách, tầm bay khoảng 4.600km cho phiên bản tiêu chuẩn và 5.555km cho phiên bản điều chỉnh.
Khoảng cách từ sàn đến điểm cao nhất của trần tàu bay khoảng 2,25m, cho cảm giác thoải mái hơn trên tàu A321/320 thế hệ cũ. Theo nhà sản xuất, hệ thống ánh sáng trong khoang khách có thể tùy chỉnh đến 10 chế độ màu sắc.
Cấu hình hàng phổ thông trên máy bay thân hẹp này tương tự hai mẫu Airbus A320/A321 và Boeing 737 Max với mỗi bên ba chiếc. Các ghế có độ rộng khoảng 18 inch. Sau mỗi ghế có hướng dẫn an toàn bay bằng tiếng Trung và Anh.
Là máy bay "made in China" nhưng phần lớn thiết bị trong buồng lái và phần đầu của tàu bay này đến từ Mỹ và châu Âu. Hệ thống liên lạc và định vị sử dụng linh kiện từ nhà sản xuất Rockwell Collins (Mỹ). Một số bộ phận khác của C919 từ các nhà sản xuất của Mỹ như bánh và phanh (Honeywell), vỏ nhôm thân máy bay (Acronic), hộp đen (GE)...
Các thông số này thua thiệt tương đối so với hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Phiên bản lớn nhất của Airbus A320neo và Boeing 737 Max có thể chở tối đa lần lượt 240 và 230 khách, trong khi tầm bay của cả hai dòng lên đến 6.500km.
Vì vậy, ưu thế cạnh tranh lớn nhất của C919 là giá. Mỗi chiếc C919 đang được bán với giá 99 triệu USD, thấp hơn từ 6-11% so với đối thủ. Tuy nhiên, số tiền thực tế hãng bay trong nước phải trả cho COMAC có thể còn giảm sâu nhờ các chương trình trợ giá của Chính phủ. Điều này khiến C919 phù hợp với các hãng bay nhỏ, chuyên khai thác những chặng bay ngắn.
Theo thông tin từ COMAC, đến cuối năm 2023, hãng đã nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng C919.
Trước đó, tháng 2 năm nay, dòng máy bay C919 đã từng đến Việt Nam trong triển lãm ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Khi đó, COMAC cho khách hàng Việt Nam tham quan toàn bộ từ buồng lái và khoang hành khách của máy bay.
Theo Hãng tin Reuters, chuyến đi này nhằm kiểm tra khả năng tương thích của C919 với sân bay và lộ trình bay của các nước Đông Nam Á.
>> Thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc
Đề xuất trang bị máy bay chữa cháy, áo choàng cho cảnh sát PCCC
Bamboo Airways vừa nhận chiếc máy bay 'thuê ướt' thứ 3 kể từ đầu năm