Trung Quốc phát hiện ‘kho báu’ hiếm trải dài 1.000km ở dãy Himalaya mà cả Mỹ lẫn Nhật đều thèm muốn, có khả năng đứng đầu ở một thị trường quan trọng

08-04-2024 12:27|Quỳnh Vân

Tài nguyên tại khu vực này không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược.

SCMP đưa tin, các nhà địa chất Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm khổng lồ ở dãy Himalaya, có thể củng cố vị thế của quốc gia này là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, khu vực chứa khoáng sản được cho là dài hơn 1.000km và việc định vị các mỏ ở một khu vực xa xôi, rộng lớn như vậy có thể phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ. Một giải pháp khả thi hiện tại là sử dụng AI, theo các nhà nghiên cứu.

Trung Quốc phát hiện ‘kho báu’ hiếm trải dài 1.000km ở dãy Himalaya mà cả Mỹ lẫn Nhật đều thèm muốn, có khả năng đứng đầu ở một thị trường quan trọng
Mỏ đất hiếm khổng lồ được phát hiện ở dãy núi Himalaya vào năm ngoái. Ảnh: SCMP

Phát hiện mới ở cao nguyên Tây Tạng

Kể từ năm 2020, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, một nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống AI có thể tự động xử lý gần như tất cả dữ liệu thô được thu thập bởi vệ tinh và các phương tiện khác để xác định vị trí trữ lượng đất hiếm trên cao nguyên Tây Tạng.

Theo SCMP, nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học đến từ Phòng Thí nghiệm trọng điểm về địa chất và tài nguyên khoáng sản thuộc Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc. Họ cho biết tỷ lệ chính xác của công cụ này lên tới 96%.

Giáo sư Zuo Renguang, nhà khoa học đứng đầu dự án, bình luận: “Nhu cầu của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản số lượng lớn như sắt, đồng, nhôm, than đá và xi măng nhằm hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa dự kiến sẽ giảm mạnh trong 15 đến 20 năm tới. Trọng tâm khai thác chủ yếu sẽ chuyển sang đất hiếm”.

Ông nói thêm: “Đất hiếm là khoáng sản không thể thay thế trong các ngành công nghiệp mới nổi như vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ quốc phòng và quân sự cũng như công nghệ thông tin. Chúng là nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu”.

Trung Quốc phát hiện ‘kho báu’ hiếm trải dài 1.000km ở dãy Himalaya mà cả Mỹ lẫn Nhật đều thèm muốn, có khả năng đứng đầu ở một thị trường quan trọng
Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào ngành công nghiệp khai thác chất hiếm. Ảnh: SCMP

Được biết công cụ AI đã tìm kiếm được một dạng đá granit “độc đáo” với tông màu nhẹ hơn bình thường. Nó có thể chứa các loại đất hiếm như niobium và tantalum, những chất cần thiết cho các sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, loại quặng này còn chứa một lượng lớn chất lithium - thành phần quan trọng để chế tạo xe điện.

Các nhà địa chất Trung Quốc tìm thấy những loại đá granit như vậy ở khắp mọi nơi trên dãy Himalaya, thậm chí cả xung quanh đỉnh Everest. Nhưng cho đến gần đây, người ta vẫn tin rằng khu vực này không chứa bất kỳ khoáng sản nào có thể khai thác được.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước, Trung Quốc vô tình phát hiện ra sự hiện diện của đất hiếm và lithium trong một số mẫu đá thu thập từ Tây Tạng.

Hiện tại, nước này đang sở hữu một cơ sở sản xuất đất hiếm lớn ở Nội Mông và một số cơ sở nằm ở phía Nam ở các tỉnh như Quảng Đông, Giang Tây và Tứ Xuyên.

'Vũ khí' giúp Trung Quốc lấy lại vị thế?

Các nhà khoa học tin rằng trữ lượng đất hiếm ở dãy Himalaya tương đương, hoặc thậm chí lớn hơn những mỏ đó và có thể giúp Trung Quốc lấy lại vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.

Theo ước tính của ngành, trước đây Trung Quốc là nước giữ vị trí thống trị với khoảng 43% trữ lượng toàn cầu trong những năm 1980 và 1990. Đến năm 2021, thị phần của nước này đã giảm xuống còn khoảng 36,7%.

Trong khi đó, nguồn tài nguyên đất hiếm bên ngoài Trung Quốc có mức tăng trưởng đáng kể, từ 40 triệu tấn lên 98 triệu tấn.

Đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng, là loại khoáng sản khiến nhiều quốc gia khao khát. Nhật Bản xem đất hiếm là “hạt giống của công nghệ” trong khi Mỹ ví nó như “kim loại công nghệ”.

Trung Quốc phát hiện ‘kho báu’ hiếm trải dài 1.000km ở dãy Himalaya mà cả Mỹ lẫn Nhật đều thèm muốn, có khả năng đứng đầu ở một thị trường quan trọng
Trung Quốc có thể tái thiết lập vị thế trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Ảnh: SCMP

Khi nhóm của giáo sư Zuo xây dựng hệ thống AI cách đây hơn 2 năm, bộ dữ liệu vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định đá granit có màu sáng.

Sau khi bổ sung dữ liệu và tăng độ chính xác của thuật toán, nhóm nghiên cứu nhận thấy mô hình AI có khả năng tự điều chỉnh nhanh chóng, đạt tỷ lệ chính xác trên 90% trong vòng vài tháng.

Mặc dù điều này cho thấy AI có thể được sử dụng sớm trong lĩnh vực này nhưng Zuo và các đồng nghiệp vẫn phải khắc phục một vấn đề khác.

Họ cho biết, hệ thống chọn những địa điểm “khá khó hiểu” và họ không hoàn toàn tin tưởng vào các quyết định của AI cho đến khi tìm ra được nguyên nhân.

Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc năm ngoái, tài nguyên khoáng sản trong vành đai đất hiếm Himalaya không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược do tác động của chúng đối với động lực khu vực và cạnh tranh tài nguyên.

Sự phát triển của tài nguyên đất hiếm và lithium cũng có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế, từ đó giúp gia tăng dân số trong khu vực.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra cam kết bảo vệ môi trường ở Tây Tạng, nhưng việc khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái, chẳng hạn như gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước vốn đã hạn chế.

Các nhà khoa học môi trường cảnh báo rằng khó có thể triển khai việc quản lý chất thải ở một khu vực xa xôi như vậy một cách hợp lí.

>> ‘Kho báu’ khủng từng bị quên lãng: 2 thập kỉ sau trở thành ‘cơn sốt toàn cầu’, một lượng nhỏ cũng đủ dùng trong 200 năm

Siêu đập thủy điện tỷ USD nhấn chìm thành phố cổ 12.000 năm tuổi, 'nuốt gọn' toàn bộ 'kho báu' quốc gia

Nikkei: Việt Nam và một quốc gia Đông Nam Á sở hữu ‘kho báu’ dồi dào được Trung Quốc ráo riết tìm kiếm cho ngành bán dẫn

Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/3 Việt Nam bất ngờ chọc thủng 'hỏa ngục' 1.300 độ C, mở khóa thành công 'kho báu' vô hạn chưa từng có trên thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-phat-hien-kho-bau-hiem-trai-dai-1000km-o-day-himalaya-ma-ca-my-lan-nhat-deu-them-muon-co-kha-nang-dung-dau-o-mot-thi-truong-quan-trong-229823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc phát hiện ‘kho báu’ hiếm trải dài 1.000km ở dãy Himalaya mà cả Mỹ lẫn Nhật đều thèm muốn, có khả năng đứng đầu ở một thị trường quan trọng
POWERED BY ONECMS & INTECH