Siêu cường châu Á ‘lột xác’ nhờ thâu tóm công nghệ nước ngoài, vượt Mỹ 10 năm ở thị trường quan trọng số 1 thế giới
Bằng việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, quốc gia này đang dẫn đầu thế giới ở một thị trường siêu hiếm.
SCMP đưa tin, công ty Shenghe Resources (Trung Quốc) tháng trước đã mua lại toàn bộ kho dự trữ tại mỏ đất hiếm đầu tiên và duy nhất đang hoạt động của Canada. Sau đó, công ty tiếp tục mua 9,9% cổ phần của Vital Metals - công ty phát triển đất hiếm ở Australia.
Được biết Shenghe đã nhập khẩu đất hiếm từ các mỏ Mỹ và Australia rồi chế biến chúng tại Trung Quốc kể từ năm 2016.
Đất hiếm được sử dụng trong các công nghệ năng lượng sạch như xe điện và tuabin gió. Từ những năm 1980, Trung Quốc là nước dẫn đầu trong việc cung cấp loại khoáng sản này ra toàn cầu. Không chỉ vậy, đây còn là quốc gia đi đầu về công nghệ xử lý đất hiếm.
Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu sản phẩm thượng nguồn từ phương Tây và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng trở lại các nước này. Ảnh: SCMP |
Trong chuỗi cung ứng đất hiếm, sản xuất thượng nguồn (upstream) liên quan đến việc khai thác khoáng sản cũng như chiết xuất và tách oxit từ chúng. Hạ nguồn (downstream) chủ yếu là sản xuất nam châm vĩnh cửu, dùng cho xe điện.
Việc thăm dò lẫn khai thác nhanh chóng các mỏ đất hiếm cùng lợi thế dẫn đầu về công nghệ tách và khai thác giúp Trung Quốc thống trị xuất khẩu quặng thô và nhiều sản phẩm thượng nguồn khác.
Chiến lược của Trung Quốc
Trợ lý giáo sư Duan Xiaolin tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết nước này đang cố gắng sử dụng tài nguyên đất hiếm một cách bền vững.
Những nỗ lực này bao gồm các quy định về môi trường, kiểm soát sản xuất và tái cơ cấu công nghiệp để củng cố hoạt động sản xuất đất hiếm giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô, các công ty Trung Quốc dự định sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài và tích cực tìm cách đa dạng hóa.
Các thương vụ mua lại như của Shenghe cho thấy Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu các sản phẩm thượng nguồn từ phương Tây, sau đó xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng trở lại các nước này.
Trung Quốc ghi nhận bước đột phá trong ngành đất hiếm. Ảnh: SCMP |
Shenghe Resources là công ty tiên phong đáng chú ý trong lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, Shenghe đã mua cổ phần của 2 công ty Australia sở hữu các mỏ đất hiếm ở Greenland và Tanzania, cũng như cổ phần của công ty sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất ở Mỹ.
Những thỏa thuận này giúp họ độc quyền mua đất hiếm cô đặc được sản xuất tại các mỏ.
Từ năm 2017 đến năm 2022, công ty chi khoảng 248 tỷ USD hàng năm cho đất hiếm từ các mỏ nước ngoài, nhiều hơn đáng kể so với việc mua đất hiếm trong nước.
Mới đây nhất là thỏa thuận mua lại kho dự trữ của mỏ Canada và màn hợp tác với Vital Metals để phát triển một mỏ khác ở Tanzania. Những thương vụ này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm nâng cao chuỗi giá trị đất hiếm.
Châu Âu tụt hậu
Từng là nhà cung cấp nguyên liệu thô giá rẻ cho các quốc gia phương Tây để sản xuất các sản phẩm cao cấp cho năng lượng sạch thì giờ đây, Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược dòng sản xuất đó trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, khi nước này mua nhiều sản phẩm thượng nguồn hơn từ nước ngoài, xuất khẩu nam châm vĩnh cửu đất hiếm (sản phẩm hạ nguồn có nhu cầu và giá trị gia tăng cao) đã nhảy lên gần gấp đôi từ năm 2016 đến năm 2023. Chúng được xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Đức, Italy, Ba Lan và Việt Nam.
Mỏ Bayan Obo, nơi chứa 70% trữ lượng đất hiếm đã được phát hiện trên toàn cầu. Ảnh: SCMP |
Ông Kevin Ansdell, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Saskatchewan ở Canada, lưu ý rằng phương Tây đang bị bỏ lại phía sau về khâu tinh chế trong chuỗi cung ứng đất hiếm.
Đồng quan điểm, theo Antonio Helio Castro Neto - giáo sư và nhà khoa học vật liệu tại Đại học Quốc gia Singapore - Mỹ sẽ phải mất ít nhất 1 thập kỷ đầu tư mạnh mẽ để bắt kịp công nghệ chế biến đất hiếm của Trung Quốc.
Không chỉ đất hiếm, Trung Quốc cũng đạt được nhiều bước tiến ở chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, quốc gia này là nhà xử lý 4 nguồn năng lượng tái tạo bao gồm đồng, niken, coban và lithium lớn nhất thế giới – với hầu hết hoạt động sản xuất được thực hiện bên ngoài Trung Quốc.
Wang Guoqing, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange ở Bắc Kinh, nhận định việc chuyển đổi nguyên liệu thô hoặc sản phẩm thượng nguồn thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao mang lại lợi nhuận cao hơn và nhiều lợi ích hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Vượt mặt nhóm G7, BRICS trở thành ‘siêu cường tài nguyên’ mới có thể thống trị toàn cầu
Quốc gia châu Á chỉ nhỏ bằng 1 huyện của Việt Nam bất ngờ 'vượt mặt' Mỹ, nhà đầu tư thi nhau tìm đến