Trung Quốc sẽ đánh mất ngôi 'cường quốc Bitcoin' vào tay Mỹ dưới thời ông Trump?
Từ "công xưởng đào Bitcoin" thế giới, Trung Quốc đang mất dần ưu thế trong lĩnh vực tiền điện tử sau khi bị siết chặt lệnh cấm vào năm 2021. Liệu sự ủng hộ của ông Trump có giúp Mỹ vươn lên nắm giữ kho dự trữ Bitcoin toàn cầu?
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2012, khi Jiang Xinyu - một doanh nhân trẻ người Trung Quốc - xuất hiện trên diễn đàn BitcoinTalk với ý tưởng kinh doanh đột phá về chip đào bitcoin. Thành lập công ty ASICMiner, anh là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tiền điện tử tại quốc gia tỷ dân.
Tuy nhiên, việc kinh doanh nhanh chóng thất bại với nhiều cáo buộc gian lận đã buộc anh phải rút lui vào năm 2015. Mặc dù có những rủi ro ban đầu, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành "công xưởng đào Bitcoin" của thế giới với việc nắm giữ phần lớn hashrate - chỉ số năng lực khai thác Bitcoin toàn cầu. Lợi thế về giá điện rẻ và năng lực sản xuất đã giúp nước này thống trị thị trường bitcoin.

Leonhard Weese, chuyên gia blockchain tại Hồng Kông, nhận xét: "Ở Trung Quốc, người ta quan tâm nhiều hơn đến ‘canh bạc đầu tư’ vào các công ty khởi nghiệp nhiều tiềm năng và huy động vốn cộng đồng, hơn là hứng thú với ý tưởng về một đồng tiền phi tập trung của tương lai".
Cánh cửa khép chặt
Thị trường tiền mã hóa của Trung Quốc đã có một lịch sử dài nằm dưới sự kiểm soát gắt gao và cái nhìn không mấy thiện cảm của các nhà quản lý, từ những năm đầu phát triển của Bitcoin.
Các đợt thanh tra mạnh tay của Trung Quốc diễn ra theo nhiều giai đoạn. Năm 2013, các sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên bị xóa sổ. Năm 2017 chứng kiến đòn giáng lớn khi các sàn giao dịch và đợt chào bán tiền xu ban đầu (ICO) bị coi là bất hợp pháp.
Trong khi đó, Daniel Batten, nhà nghiên cứu tại ESG Bitcoin, cho rằng: "Truyền thông đã phóng đại mức độ nghiêm khắc của các quy định. Thực chất, Chính phủ Trung Quốc muốn giảm thiểu việc sử dụng điện quá mức do đào Bitcoin do khai thác Bitcoin, nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường và chống rửa tiền".
Theo Roger Huang, một chuyên gia và tác giả của các đầu sách về thị trường này nhận định: sự hình thành các sàn giao dịch tại Trung Quốc xuất phát từ nhu cầu thực tế của những người sở hữu chip khai thác. "Họ cần một nơi để mua và bán", ông nhấn mạnh.
Thay vì mở cửa hoàn toàn, Trung Quốc được nhận định sẽ tìm đến Hồng Kông như một nơi thử nghiệm tiền điện tử. Theo ông He, một kế hoạch khả dĩ là cho phép người dân đại lục giao dịch trên các sàn được cấp phép tại Hồng Kông, đồng thời tuân thủ hạn mức chuyển đổi ngoại hối 50.000 USD.
"Nếu điều này diễn ra, Hồng Kông sẽ ngay lập tức trở thành trung tâm tiền điện tử toàn cầu," ông He nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một ranh giới đỏ không thể vượt qua: khả năng chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tiền điện tử vẫn còn hạn chế.
Quả thật, Hồng Kông đã trở thành "thiên đường" của các doanh nghiệp tiền điện tử. Những sàn giao dịch lớn như ANX (sau này phát triển thành OSL) và Bitfinex đều có mặt tại đây. Thậm chí, Sam Bankman-Fried cũng đã thành lập FTX tại Hồng Kông vào năm 2018.

“Trung Quốc như một người thức dậy sớm nhưng cuối cùng lại tụt hậu", một chuyên gia nhận định. “Tuy nhiên, điều tích cực ở Trung Quốc là khi thế giới bên ngoài đã đón nhận một xu hướng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt kịp".
Nỗ lực bắt kịp đó phần nào đã khởi động tại Hồng Kông, nơi vào năm 2022 đã có những bước chuyển lớn nhằm thu hút ngành công nghiệp tiền điện tử trở lại. Chính quyền địa phương cam kết đưa ra khung pháp lý rõ ràng thông qua một chương trình cấp phép bắt buộc mới. Tuy nhiên, chương trình này bị đánh giá là tốn kém và phức tạp, khiến ít tổ chức nộp đơn.
“Thị trường ở đây quá nhỏ, thậm chí đối với chỉ một hoặc hai nền tảng”, một chuyên gia trong ngành nhận xét. “Giấy phép cũng rất khó để có được và chi phí thì vô cùng đắt đỏ".
Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, các tòa án đã nhiều lần khẳng định tiền điện tử có thể được coi là tài sản và do đó hợp pháp để sở hữu, dù không được phép giao dịch thương mại. Điều này làm dấy lên câu hỏi về cách Trung Quốc sẽ xử lý lượng bitcoin bị tịch thu – lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Số bitcoin này có thể đối mặt với rào cản pháp lý nếu các nhà quản lý muốn chuyển đổi chúng thành nguồn dự trữ.
Theo một báo cáo từ People's Court Daily, cơ quan truyền thông của Tòa án Tối cao Trung Quốc, giá trị tiền điện tử bị thu giữ tại nước này được ước tính sẽ vượt qua vài tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, quy trình xử lý số tiền điện tử bị thu giữ vẫn còn nhiều điểm mơ hồ. "Tiền điện tử không có cùng vị thế pháp lý như tiền pháp định tại Trung Quốc, và các hoạt động liên quan bị coi là bất hợp pháp," luật sư Chen Mingjie từ công ty luật ZHH Law Firm nhận định. "Tuy nhiên, giá trị tài sản của tiền điện tử không thể bị bỏ qua trong quá trình xử lý tài sản liên quan đến các vụ án hình sự".
Bước ngoặt từ Nhà Trắng
Kể cả khi Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin, hơn 55% sức mạnh khai thác Bitcoin (BTC) vẫn thuộc về các nhóm thợ đào Trung Quốc, theo nhận định từ ông Ki Young Ju, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CryptoQuant trên trang Cointelegraph.
Năm 2021, khi Bắc Kinh tăng cường siết chặt các quy định, ngành khai thác Bitcoin tại Trung Quốc chứng kiến một cuộc "tháo chạy" quy mô lớn. Nhiều xưởng khai thác lớn được cho là đã chuyển địa điểm sang Mỹ.
Tuy nhiên, sau ba năm, các thợ đào Bitcoin tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 40% quy mô toàn cầu, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu.

Bước ngoặt mới xuất hiện sau cuộc bầu cử ngày 5/11, khi giá bitcoin tăng vọt gần chạm mốc 100.000 USD. Sự xuất hiện của ông Trump với chính sách thân thiện với tiền điện tử đã tạo ra những luồng gió mới cho ngành công nghiệp này tại Mỹ.
Trong khi Trung Quốc siết chặt quản lý, coi tiền điện tử như mối đe dọa an ninh tài chính, thì ông Trump lại hứa hẹn xây dựng "kho dự trữ bitcoin chiến lược" bằng những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử.
Sandy Peng, nhà sáng lập công ty blockchain Scroll và cố vấn cho công ty tiền điện tử World Liberty Financial của ông Trump, nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống bày tỏ sự hào hứng ủng hộ cộng đồng tiền điện tử như vậy".
Giới chuyên gia tiền điện tử vẫn chưa thể dự đoán chính xác về tương lai của ngành. Chuyên gia Sandy Peng từ Scroll nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến những dao động mạnh mẽ. Hiện tại, chắc chắn có sự thay đổi, nhưng tương lai vẫn còn là ẩn số".
Sự dịch chuyển sang Hoa Kỳ đã bắt đầu từ vài năm trước, nhưng ông Trump đã thực sự "thổi bùng" không khí. Nhiều doanh nhân, thậm chí cả những người từ Trung Quốc, đang đặt cược vào ông.
Justin Sun, nhà sáng lập Tron, là một ví dụ điển hình. Tuần qua, anh đã chi 30 triệu USD mua token WLFI, đồng thời trở thành cố vấn cho World Liberty - tiền điện tử do các thành viên gia đình ông Trump quản lý.
Sự phấn khích trong giới tiền điện tử thậm chí còn lớn hơn mức người ta tưởng tượng. Một tuần sau cuộc bầu cử, một địa chỉ bitcoin cổ đã thực hiện giao dịch chuyển hơn 206 bitcoin, tương đương 19,6 triệu USD. Đây là giao dịch lớn nhất của địa chỉ này trong vòng 7 năm. Một loạt các "ví cá voi" (nắm giữ lượng lớn Bitcoin) cũng thực hiện những giao dịch lớn trong vòng 1 tháng qua.
Giới chuyên gia và nhà đầu tư đang theo dõi sát sao động thái của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền điện tử. Dù một số người vẫn hy vọng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách, nhưng nhiều ý kiến cho rằng khả năng này gần như không thể.
Ông He Yifan, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Red Date Technology, nhận định: "Nếu Trung Quốc không mở cửa cho tiền mã hóa trong 4 năm tới, khả năng cao là thị trường tiền số ở đây sẽ không bao giờ được tháo lưới mở rào. Với nước Mỹ, ít nhất những người ủng hộ thị trường vẫn còn nhiều không gian thảo luận".
Theo SCMP
>> Lộ diện những 'siêu cá voi' đang sở hữu nhiều Bitcoin nhất trên thế giới
Quản lý tiền điện tử: Hoàn thiện khung pháp lý thay vì né tránh
Quốc gia châu Á nắm giữ kho Bitcoin khổng lồ, giá trị tương đương 36% GDP