Nhiều chuyên gia cho rằng, khi Trung Quốc càng gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á, thì vị thế của Nga sẽ suy giảm tại khu vực này.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời 5 nhà lãnh đạo các quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đến Tây An dự Hội nghị Thượng đỉnh, đánh dấu sự thâm nhập của Trung Quốc vào khu vực “sân sau” của Nga.
Trên thực tế, trò chơi quyền lực của Trung Quốc và Nga ở Trung Á rất phức tạp. Ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng các chuyên gia nhận định rằng Bắc Kinh rất khó soán ngôi được Nga ở Trung Á.
Việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực cho thấy sự nổi lên của các quốc gia Trung Á như những chủ thể chính trị khu vực, thay vì là đối tượng của xung đột. Các quốc giaTrung Á phải điều hướng một Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga “hiếu chiến” và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa hai nước và phương Tây. Ngược lại, Bắc Kinh và Moscow đang có những bước đi thận trọng, đáp ứng lợi ích của nhau và của các quốc gia Trung Á.
Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie đánh giá rằng, ảnh hưởng toàn cầu của Nga đã bị ảnh hưởng. Mặc dù các quốc gia Trung Á đã không đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì chiến sự Nga-Ukraine, nhưng hầu hết đã tuân thủ chế độ trừng phạt của phương Tây. Nga đã nhắc nhở các nước láng giềng về vị trí của họ trong trật tự phân hạng khu vực.
Thương mại của Nga với Trung Á đang tăng vọt 20% vào năm 2022. Trong khi đó, người Trung Á tiếp tục chuyển đến Nga để tìm kiếm việc làm. Theo Bộ Nội vụ Nga, hơn 10 triệu người di cư Trung Á đã đến làm việc ở Nga vào năm 2022.
Ông Temur Umarov, Chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie, cho rằng Nga vẫn nắm giữ quyền lực mềm đáng kể trên khắp Trung Á. Vào năm 2022, ông Putin đã đến thăm cả 5 quốc gia Trung Á. Hầu như tất cả các thành viên của Hội đồng An ninh Nga đã thực hiện các chuyến đi tương tự.
“Quan điểm Trung Quốc tìm cách thay thế Nga trở thành cường quốc bá quyền trong khu vực Trung Á là không chính xác. Khi hai bên cạnh tranh ở Trung Á, Nga không có nhiều lựa chọn ngoài việc lùi bước và thích nghi. Nhưng trong nhiều vấn đề, lợi ích của Trung Quốc và Nga không cạnh tranh với nhau. Chiến sự Nga-Ukraine và sự rạn nứt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn”, ông Umarov nhấn mạnh.
Trong các vấn đề an ninh khu vực cũng vậy, lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga thường bổ sung cho nhau. Ưu tiên hàng đầu của cả hai bên là giữ nguyên các chế độ hiện tại của Trung Á và không cho phương Tây can thiệp. Và không hề bị gạt sang một bên, Nga vẫn duy trì sự hiện diện cao.
Theo nhiều chuyên gia, Trung Á là nơi thử nghiệm các công cụ an ninh mà Bắc Kinh chưa sử dụng ở nơi nào khác. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã thiết lập hai căn cứ như vậy ở biên giới Tajikistan - Afghanistan, hoạt động như một lực lượng cho chính quyền Tajikistan. Mặc dù căn cứ đầu tiên trong số này gây bất ngờ và khiến Điện Kremlin khó chịu, nhưng căn cứ thứ hai, được xây dựng vào năm 2021, không bị phản đối như vậy. Có vẻ như Moscow đã coi sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc không phải là một thách thức cạnh tranh mà là một cơ hội để chia sẻ gánh nặng.
Sự thay đổi quan điểm của Nga về các căn cứ của Trung Quốc ở Tajikistan chỉ ra một sự thay đổi lớn hơn: sự trỗi dậy của Trung Quốc là một kết quả không thể tránh khỏi - đang xảy ra không phải theo ý muốn của Nga mà vào thời điểm mà mối quan hệ giữa hai bên các quốc gia đang ngày càng sâu sắc hơn, mặc dù không đối xứng và có lợi cho Trung Quốc. Ngay cả khi có lý do để cạnh tranh ở Trung Á, cả Moscow và Bắc Kinh đều coi quan hệ song phương thân thiện là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh họ ngày càng đối đầu với phương Tây.
Bản thân các quốc gia Trung Á ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau. Tất cả đều đang cố gắng đa dạng hóa mối quan hệ với thế giới bên ngoài, và về mặt đó, cả Nga và Trung Quốc đều quan trọng như nhau đối với họ.
Cuối cùng, sự bất cân xứng về quyền lực giữa Trung Quốc và Nga có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc can thiệp vào chính trị Trung Á. Nhưng không chắc rằng điều này sẽ làm giảm lợi ích chung và sự ủng hộ lẫn nhau của họ. Tại Trung Á, tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga vẫn lớn hơn nhiều so với nguy cơ xung đột.