Dòng vốn tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn nhất châu Á: Chuyện gì xảy ra?
Trong cuộc gặp với 40 CEO toàn cầu tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư nước ngoài trong thời gian dài”, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực “cải thiện môi trường chính sách và pháp lý” để thu hút thêm vốn đầu tư.
Trung Quốc có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy ra trong hai năm tới, dù mức độ có thể giảm so với những giai đoạn trước đây. Đây là nhận định của hai nhà kinh tế nổi tiếng.
Zhang Ming, Phó Viện trưởng Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cùng nhà nghiên cứu Chen Yinmo từ Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia đã cùng bày tỏ sự lo ngại này trong một bài viết đăng trên mạng xã hội mới đây.
Họ cho rằng dòng vốn rời khỏi Trung Quốc là do nhiều yếu tố, bao gồm sự bất ổn trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, căng thẳng địa chính trị, và tâm lý tiêu dùng yếu ở Trung Quốc.
“Áp lực dòng vốn chảy ra trong vài năm tới sẽ thể hiện qua việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm, trong khi dòng vốn đầu tư ra nước ngoài vẫn tiếp tục và Trung Quốc sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư vào các quốc gia khác, nơi có lãi suất thấp hơn so với trong nước”, hai chuyên gia viết trên tài khoản cá nhân của Zhang.

Dẫn số liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE), họ cho biết tài khoản vốn của Trung Quốc – ghi nhận dòng tiền vào và ra khỏi nền kinh tế – đã thâm hụt 496,2 tỷ USD trong năm 2024, là mức thâm hụt cao nhất từ trước đến nay.
"Cũng trong năm đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 62,3 tỷ USD – lần đầu tiên kể từ năm 2019", hai nhà kinh tế cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng đồng nhân dân tệ đã bị áp lực mất giá so với USD trong năm ngoái.
Trung Quốc đã trải qua hai giai đoạn dòng vốn chảy ra mạnh trong thế kỷ 21. Giai đoạn đầu tiên từ 2015 đến 2016, khi mức thâm hụt tài khoản vốn trung bình đạt 300,6 tỷ USD mỗi năm. Giai đoạn thứ hai từ 2020 đến 2024, với mức thâm hụt trung bình 216,9 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, dù dòng vốn ra nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục, Zhang và Chen dự báo rằng quy mô sẽ giảm dần.
Hiện tại, Trung Quốc duy trì chế độ kiểm soát chặt chẽ tài khoản vốn, nghĩa là các doanh nghiệp, ngân hàng và cá nhân không được phép tự do chuyển tiền vào hoặc ra khỏi đất nước nếu không tuân thủ các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng dòng vốn chảy ra.
Hai nhà kinh tế đề xuất Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sử dụng công nghệ dữ liệu lớn và blockchain để giám sát các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số theo thời gian thực, đồng thời áp dụng “chiến lược quản lý phân loại đối với tiền kỹ thuật số”.
Vào ngày 7/3, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Nhà Trắng dành riêng cho tài sản kỹ thuật số, tuyên bố rằng Mỹ sẽ trở thành “thủ đô tiền điện tử của thế giới” và nhấn mạnh rằng Trung Quốc không được phép thống trị lĩnh vực này.
Năm 2021, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động khai thác Bitcoin và tuyên bố tất cả các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho phép Hồng Kông phát triển một hệ sinh thái tiền điện tử nhằm đối trọng với sự thống trị của đồng USD trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Zhang và Chen cũng đề xuất áp dụng “các biện pháp tài khóa và tiền tệ nới lỏng phù hợp” để thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa, giải quyết các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, tăng cường kiểm soát các khoản vay xuyên biên giới của ngân hàng và ổn định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong cuộc gặp với 40 CEO toàn cầu tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư nước ngoài trong thời gian dài”, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực “cải thiện môi trường chính sách và pháp lý” để thu hút thêm vốn đầu tư.
Theo SCMP
>> 1.200 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn ngoại tháo chạy với tốc độ không tưởng: Chuyện gì đang xảy ra?
900 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn nước ngoài tháo chạy: Siêu cường châu Á lung lay?
YouTuber giàu nhất thế giới chuẩn bị cho vòng huy động vốn mới, định giá công ty 5 tỷ USD