Thế giới

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu vật liệu bán dẫn: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Vũ Bấc 29/08/2024 - 14:47

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc hạn chế nguồn cung vật liệu từ Trung Quốc có thể gây xáo trộn ngành bán dẫn, viễn thông và thiết bị quang học quân sự toàn cầu.

Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu germani và gali, hai nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất linh kiện bán dẫn và thiết bị quân sự, truyền thông, dẫn đến giá các khoáng sản này tại châu Âu tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Các nhà giao dịch cho rằng việc Trung Quốc tích trữ đã khiến giá germani tăng vọt. Germani là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip tiên tiến, cáp quang, tấm pin mặt trời và camera nhiệt quân sự. Giese cho biết mặc dù việc tích trữ germani vẫn chỉ là đồn đoán nhưng "gần như chắc chắn rằng tổng khối lượng tích trữ đang chiếm một phần đáng kể trong sản lượng hàng năm của Trung Quốc."

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu vật liệu bán dẫn: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu - ảnh 1
Trung Quốc chiếm phần lớn nguồn cung Germani và Gali, hai nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp bán dẫn và sản xuất linh kiện viễn thông, điện tử

Năm 2023, Trung Quốc đã ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm bảo vệ "an ninh và lợi ích quốc gia", đáp trả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip do Hoa Kỳ dẫn đầu.

Những động thái này của Bắc Kinh càng làm nổi bật sự thống trị của Trung Quốc trong việc cung cấp nhiều nguồn tài nguyên quan trọng trên toàn cầu. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện sản xuất 98% nguồn cung gali và 60% germani của thế giới.

Một nguồn tin từ một công ty lớn tiêu thụ vật liệu bán dẫn cho biết: "Tình hình với Trung Quốc rất nghiêm trọng. Chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào họ."

Các nhà phân tích nhận định, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cho thấy rõ ràng Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng nhắm vào các lợi ích kinh tế của phương Tây để đáp trả những hạn chế đối với quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến của nước này

Mặc dù một số lô hàng gali lớn từ Trung Quốc vẫn đang được thực hiện, nhưng tổng lượng xuất khẩu đã giảm khoảng một nửa kể từ khi các biện pháp kiểm soát được áp dụng.

Jan Giese, Giám đốc Cấp cao phụ trách Kim loại vi mạch tại Tradium, một công ty thương mại bán dẫn có trụ sở tại Frankfurt (Đức), cho biết lượng gali và germani mà công ty của ông có thể thu được thông qua chương trình cấp phép xuất khẩu mới của Trung Quốc chỉ chiếm "một phần nhỏ so với những gì chúng tôi đã mua trước đây".

Giese nhận định: "Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu này gia tăng áp lực lên thị trường bên ngoài Trung Quốc, khiến tình hình vốn đã khó khăn càng trở nên phức tạp hơn."

Gali và germani là hai nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất bộ vi xử lý tiên tiến, sợi quang và kính nhìn ban đêm. Việc Bắc Kinh tiếp tục hạn chế xuất khẩu có thể làm gián đoạn sản xuất các sản phẩm này.

Ngoài ra, trong tháng 8, Trung Quốc cũng đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu antimon, một khoáng chất quan trọng trong sản xuất đạn xuyên giáp, kính nhìn ban đêm và thiết bị quang học chính xác. Đây là động thái tiếp theo sau các biện pháp kiểm soát xuất khẩu than chì và các công nghệ khai thác, tách đất hiếm mà Trung Quốc đã áp đặt trước đó.

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu vật liệu bán dẫn: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu - ảnh 2
Các hạn chế của Bắc Kinh đối với việc vận chuyển germani và gali đã khiến giá cả ở châu Âu tăng gần gấp đôi

Theo nhà cung cấp dữ liệu Argus, giá germani đã tăng 52% kể từ đầu tháng 6, đạt 2.280 USD/kg tại Trung Quốc. Terence Bell, Giám đốc Strategic Metal Investments, một công ty kinh doanh kim loại có trụ sở tại Vancouver, cho biết: "Người Trung Quốc hiện thậm chí không còn cung cấp germani ra nước ngoài nữa."

Theo các biện pháp kiểm soát mới, mỗi lô hàng gali và germani phải được phê duyệt riêng lẻ, với thời gian xử lý kéo dài từ 30 đến 80 ngày, khiến các hợp đồng cung ứng dài hạn trở nên bất khả thi do tình trạng không chắc chắn. Các đơn đăng ký phải nêu rõ người mua và mục đích sử dụng của vật liệu.

Cory Combs, Phó Giám đốc công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng động cơ chính của Bắc Kinh là "gửi tín hiệu" rằng họ sẵn sàng đáp trả áp lực từ phía Hoa Kỳ lên các công ty và ngành công nghiệp quan trọng của Trung Quốc. Ông nhận định: "Cuối cùng, lý do lớn nhất cho việc kiểm soát này là nếu họ thực sự muốn chặn xuất khẩu đến một nơi nào đó, họ có thể từ chối cấp giấy phép."

Combs từ Trivium nhận định, Bắc Kinh coi việc kiểm soát xuất khẩu là một phần trong chiến lược đảm bảo nguồn cung cho các vật liệu tối cần thiết trong công nghệ năng lượng sạch, một trọng tâm trong kế hoạch nâng cấp công nghiệp của quốc gia này. Một nguồn tin từ một công ty sử dụng nhiều vật liệu bán dẫn cho biết, Trung Quốc đang tận dụng các hạn chế này để hỗ trợ nỗ lực bắt kịp Hoa Kỳ và các quốc gia dẫn đầu khác trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Theo Financial Times

>> Lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc ráo riết mua chip AI của 2 ‘ông lớn’ Hàn Quốc

Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị y tế với giá rẻ

Quốc gia châu Á công bố ngân sách 'khủng' 512 tỷ USD, đặt cược vào K-pop và công nghệ bán dẫn

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trung-quoc-siet-chat-xuat-khau-vat-lieu-ban-dan-nguy-co-gian-doan-chuoi-cung-ung-chip-toan-cau-125984.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc siết chặt xuất khẩu vật liệu bán dẫn: Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu
POWERED BY ONECMS & INTECH