Lộ điểm yếu, Trung Quốc có thể dùng ‘vũ khí trí mạng’ cướp đi lợi ích kinh tế cực khủng của Mỹ
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng lên, đây có thể là “điểm yếu” của Mỹ mà Bắc Kinh có thể khai thác.
Ưu thế thực sự của Trung Quốc
Gần đây, JPMorgan nói rằng Trung Quốc “gần như độc quyền” trong việc khai thác nhiều nguyên liệu thô quan trọng cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn và các công nghệ khác. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của khoáng sản trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Vấn đề này càng lên cao trào khi Mỹ nhắm mục tiêu vào các sản phẩm của Trung Quốc bao gồm pin mặt trời, xe điện, pin, thép, nhôm, thiết bị y tế,... bằng một loạt mức thuế mới - quyết định được đưa ra hồi tháng trước.
Giám đốc điều hành nghiên cứu chiến lược của JPMorgan, Amy Ho và Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu Joyce Chang cho biết: “Thông báo thuế quan mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng có trở thành chiến trường mới nhất cho cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hay không”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018, khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump áp thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc |
Vào năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 68% khoáng sản đất hiếm của thế giới, được sử dụng cho những sản phẩm như nam châm và pin; 70% than chì được sử dụng trong chất bôi trơn, động cơ điện và thậm chí là lò phản ứng hạt nhân.
Tuy nhiên, theo JPMorgan, ưu thế thực sự của Trung Quốc nằm ở khả năng chế biến khoáng sản. Được biết, nước này đã xử lý 100% nguồn cung than chì của thế giới vào năm 2022, 90% đất hiếm và 74% coban (một khoáng chất quan trọng khác cho pin).
Bà Amy và bà Chang cũng cảnh báo: “Việc ngày càng phụ thuộc vào các khoáng sản quan trọng - đầu vào chính của chất bán dẫn, xe điện, vũ khí quân sự - đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng sự thống trị của mình trong chuỗi cung ứng này để trả đũa chính sách công nghiệp của Mỹ”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018, khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump áp thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc, bao gồm tấm pin mặt trời và thép. Kể từ đó, căng thẳng giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới đã ngày càng leo thang.
Khoáng sản quan trọng với Mỹ phụ thuộc 100% vào nhập khẩu
Trong số các khoáng sản mà Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ xác định là quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia, 12 loại trong số đó phụ thuộc 100% vào nhập khẩu. Các loại gồm có asen (chủ yếu từ Trung Quốc), caesium, than chì (chủ yếu từ Trung Quốc), huỳnh quang, galium, indi, mangan, niobi, rubidi (chủ yếu từ Trung Quốc), scandium, tantali và yttri (đều chủ yếu từ Trung Quốc).
Trung Quốc là nguồn cung hàng đầu cho 5/12 loại khoáng sản quan trọng này và là nguồn cung cấp thứ hai hoặc thứ ba cho 3 loại khoáng sản bổ sung: huỳnh quang, galium và scandium. Ngoài ra, đối với 29 loại khoáng sản khác, Mỹ cũng nhập khẩu khoảng hơn 50%, 90% phụ thuộc vào nhập khẩu ròng đối với titan, 14 loại đất hiếm và bismuth.
Trung Quốc là nhà cung cấp chính các khoáng sản quan trọng cho Mỹ |
Liệu có trở thành “vũ khí trí mạng”?
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng lên, khoáng sản có thể là “điểm yếu” của Mỹ mà Bắc Kinh có thể khai thác.
Chuyên gia Ho và Chang của JPMorgan lưu ý rằng trong trường hợp xấu nhất khi Trung Quốc tăng cường hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng hoặc thực hiện lệnh cấm hoàn toàn thì các lĩnh vực điện tử, lọc dầu, quốc phòng và xe điện sẽ gặp rủi ro lớn.
Tuy nhiên, hiện tại, các chiến lược gia của JPMorgan không lường trước được một cuộc chiến tranh khoáng sản nghiêm trọng sẽ diễn ra. Họ cho rằng: “Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ vũ khí hóa vị thế của mình, nhưng chúng tôi hy vọng phản ứng của Trung Quốc sẽ vẫn có sự điều tiết”. Và thực tế là Mỹ cũng có thể tìm kiếm các nhà cung cấp và sản phẩm thay thế khác.
Bộ đôi bà Ho và Chang đã đưa ra một số khuyến nghị về cách Mỹ có thể ổn định nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng để bảo vệ ngành công nghiệp quốc phòng, hỗ trợ quá trình chuyển đổi xe điện và ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế do một cuộc chiến thương mại hàng hóa tiềm ẩn.
Đầu tiên, thay vì khai thác mới - vốn mất nhiều năm để bắt đầu, đi kèm với rủi ro về môi trường và việc phê duyệt theo quy định ở Mỹ thường không chắc chắn - thì Mỹ có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp khoáng sản, triển khai các công nghệ khai thác khoáng sản mới và dự trữ các khoáng sản quan trọng.
Hai chuyên gia ước tính rằng đổi mới công nghệ và tái chế có thể làm giảm nhu cầu từ 20% đến 40%, trong khi việc thay thế vật liệu có thể làm giảm bớt căng thẳng về nguồn cung và giảm chi phí trong vài thập kỷ tới. Ngoài ra, việc dự trữ của Chính phủ và các tập đoàn Mỹ có thể đóng vai trò như một tấm đệm chống lại sự gián đoạn đột ngột của chuỗi cung ứng.
Họ cho biết thêm: “Có nhiều cơ hội để đa dạng hóa các nhà cung cấp khoáng sản quan trọng. Các quốc gia đang trong quá trình mở rộng khả năng khai thác và chế biến bao gồm các đồng minh như Canada, Úc, EU và Nhật Bản. Vì thế, Mỹ nên giữ thái độ lạc quan".
>> Đồng minh Mỹ vừa ‘cướp đi’ lợi ích kinh tế cực khủng của Trung Quốc