Trung tâm thương mại rộng 17.000m2 ở Hà Nội dự kiến sẽ được sử dụng làm trụ sở phường mới
Sau sắp xếp, sáp nhập các phường, xã, thành phố đang đề xuất phương án sử dụng một trung tâm thương mại để làm trụ sở của phường mới.
Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, TP. Hà Nội chính thức còn 126 xã, phường. Trong số 125 xã, phường mới được thành lập, đến nay, 123 đơn vị đã có phương án bố trí trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính hiện hữu của 30 quận, huyện, thị xã và một số phường, xã cũ.
Hai phường còn lại là Đại Mỗ và Yên Sở sẽ sử dụng tạm thời các công trình ngoài công sở để làm nơi làm việc. Cụ thể, phường Đại Mỗ dự kiến đặt trụ sở tại Trung tâm thương mại Trung Văn, trong khi phường Yên Sở sẽ sử dụng một trong các tòa nhà ký túc xá tại khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Phường Đại Mỗ được thành lập trên cơ sở sáp nhập phần lớn diện tích và dân số của các phường Đại Mỗ, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); một phần của các phường Phú Đô, Mễ Trì (Nam Từ Liêm); Mộ Lao, Dương Nội (quận Hà Đông); Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và Nhân Chính (quận Thanh Xuân).
Do trên địa bàn phường Trung Văn hiện chỉ có một trụ sở hành chính có thể sử dụng, nhưng diện tích không đủ để bố trí đầy đủ các cơ quan của phường Đại Mỗ sau sáp nhập, thành phố dự kiến bố trí trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của phường tại Trung tâm thương mại Trung Văn.
Trung tâm này nằm tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, gồm 2 khối nhà cao 2 tầng, tổng diện tích hơn 17.000m2, đã hoàn thành từ năm 2012. Hiện khu trung tâm đang được hàng chục cá nhân, tổ chức thuê để kinh doanh và làm kho bãi.
Phường Yên Sở mới được hình thành từ việc sáp nhập phần lớn diện tích và dân số của phường Yên Sở (quận Hoàng Mai); một phần diện tích của các phường Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Trần Phú (Hoàng Mai); xã Tứ Hiệp và thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì).

Theo kế hoạch, trụ sở tạm thời của phường Yên Sở sẽ được bố trí tại một trong các tòa nhà ký túc xá khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Khu ký túc xá này được xây dựng trên khu đất 40.000m2, sát cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Giải Phóng, gồm 6 khối nhà (A1 đến A6) cao trung bình 17 tầng.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ba tòa nhà (A1, A5, A6) hoàn thành, các tòa A2, A3 đang dở dang ở phần thô, còn tòa A4 chưa thi công do vướng mặt bằng. Năm 2017, Sở Xây dựng từng đề xuất chuyển A2, A3 thành nhà ở xã hội, song đến năm 2024 thành phố mới dự kiến bố trí hơn 220 tỷ đồng để thực hiện.
Phường Hồng Hà hiện là đơn vị hành chính mới duy nhất chưa có phương án bố trí trụ sở. Đây là phường có quy mô lớn, được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích của nhiều phường khu vực ngoài đê thuộc 5 quận: Hoàn Kiếm (Phúc Tân, Chương Dương), Ba Đình (Phúc Xá), Tây Hồ (Phú Thượng, Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ), Hai Bà Trưng (Thanh Lương, Bạch Đằng) và Long Biên (Ngọc Thụy, Bồ Đề).
Với dân số lên tới 126.062 người, phường Hồng Hà sẽ là đơn vị hành chính cấp xã đông dân nhất của Hà Nội.
>> Tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc dự kiến sắp xếp hai nơi làm việc sau sáp nhập