Trượt đại học, ông Hoàng Nam Tiến từng định chuyển hướng học phi công nhưng một câu nói của cha đã làm thay đổi cuộc đời
Theo ông Hoàng Nam Tiến, lời khuyên của cha nhằm nhắc nhở rằng khi thất bại đừng vội bỏ cuộc hoặc chọn ngay việc khác.
Hoàng Nam Tiến là doanh nhân, diễn giả nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ngày 28/06/1969 và tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông gia nhập FPT từ năm 1993. Với năng lực của mình, ông được điều chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT của FPT Software từ năm 2011. Đến năm 2020, ông được bầu giữ chức Chủ tịch FPT Telecom. Tháng 4/2023, ông thôi giữ vị trí này và chuyển sang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT.
Là người nổi tiếng với học vấn ấn tượng, tốt nghiệp từ trường đại học thuộc hàng top của Việt Nam, nhưng ít ai biết ông Hoàng Nam Tiến từng gặp không ít khó khăn và thất bại trên con đường học vấn. Trong một lần tham gia chương trình truyền hình, ông Hoàng Nam Tiến cho biết mình là lớp trưởng lớp chuyên Toán của trường Hà Nội - Amsterdam nhưng đã không thi đỗ đại học.
Thời điểm đó, ông vô cùng hoang mang và không hiểu nổi lý do vì sao mình bị trượt. Ông đã nói với cha rằng muốn trở thành phi công. Khi nghe về nguyện vọng của con trai, cha của ông Hoàng Nam Tiến - khi ấy đang là một vị tướng trong quân đội - liền nói: "Muốn làm phi công cũng được, nhưng việc đầu tiên là thất bại ở chỗ nào thì đứng lên chỗ ấy".
Theo ông Hoàng Nam Tiến, lời khuyên của cha nhằm nhắc nhở rằng khi thất bại đừng vội bỏ cuộc hoặc chọn ngay việc khác, mà hãy tiếp tục con đường mình đã chọn để tự trải nghiệm. Vì đôi khi sự thất vọng từ thất bại nhất thời sẽ khiến bạn không nhận thức rõ được bản thân.
Nghe lời cha, ông Hoàng Nam Tiến tiếp tục rèn luyện và học tập. Kỳ thi đại học năm sau, ông đã thi đỗ ngành Công nghệ Thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây chính là khởi đầu cho sự nghiệp liên quan đến khoa học máy tính của ông sau này.
Từ câu chuyện của chính mình, ông Hoàng Nam Tiến cũng nhắn nhủ đến bạn trẻ: "Thông thường mỗi khi thất bại, người ta thường cố gắng làm ngay việc khác. Các bạn hãy thận trọng chuyện đấy. Đúng là trong kinh doanh, cuộc sống có thể như thế nhưng tôi cũng nhắc các bạn trẻ rằng ví dụ như trong tình yêu, các bạn chọn cách yêu ngay người mới... Tạo nên sự thất bại nối tiếp thất bại.
Nếu sợ thất bại thì các bạn đã thất bại rồi. Trong thể thao, người ta chỉ nhớ đến người chiến thắng, người về nhì chẳng ai nhớ đến. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta về Nhì, Ba, Tư, Năm... vẫn rất ổn, không dứt khoát cần về Nhất như trong thể thao.
Thất bại là một lần chưa thành công nhưng đừng bao giờ làm người thất bại vì khi làm người thất bại bạn mãi mãi không bao giờ thành công. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai, tôi chia sẻ từ cảm nhận cá nhân, thực ra chúng ta khó học được gì từ thành công, khó lặp lại thành công. Nhưng học từ thất bại sẽ học được rất nhiều và sẽ tránh được thất bại".
>>Thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học, Bộ GD-ĐT nói gì?