Truyền thông Trung Quốc chỉ trích vụ xả nước thải Fukushima
Truyền thông Trung Quốc đang lên tiếng chỉ trích việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
“Nhật Bản đang sử dụng những biện pháp hèn hạ để đổ lỗi cho Trung Quốc,” tiêu đề của một bài xã luận đăng hôm thứ Ba trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
Bài xã luận thậm chí còn chỉ trích Nhật Bản vì phản đối những vụ việc như công dân Trung Quốc gọi điện đến các cơ quan của Nhật Bản, nói rằng "Nhật Bản cố gắng mạnh mẽ để thể hiện mình là nạn nhân hơn là thủ phạm".
Bài viết tiếp tục: “Chính Nhật Bản, chứ không phải các nước khác, đang gây ra những rủi ro và nguy cơ sinh thái chưa từng có cho Thái Bình Dương. Chính quyền Nhật Bản đang cố tình tăng cường tình cảm chống Trung Quốc trong xã hội Nhật Bản và sự đối kháng giữa người dân Trung Quốc và Nhật Bản".
Truyền thông Trung Quốc cũng đặt vấn đề với khoảng 70 tỷ yên (478 triệu USD) mà chính phủ Nhật Bản đang dành trong ngân sách tài khóa 2024 để xử lý thông tin sai lệch về việc xả nước.
Nhóm tin tức tài chính Yicai đã bình luận hôm thứ Năm tuần trước rằng chính phủ Nhật Bản thà chi tiền cho các chiến dịch quan hệ công chúng hơn là áp dụng các phương pháp xử lý ít nguy hiểm hơn đối với nước bị ô nhiễm.
Kết quả mô phỏng do Đại học Thanh Hoa công bố cho thấy chất phóng xạ từ Fukushima sẽ lan đến các khu vực ven biển của Trung Quốc 240 ngày sau khi được xả ra môi trường. Tin tức này đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội Weibo và được đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt giọng điệu của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba: “Bất chấp sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, chính phủ Nhật Bản đã đơn phương bắt đầu xả nước nhiễm hạt nhân Fukushima ra biển".
Ông Uông cho biết chính vấn đề xả thải là nguồn cơn cho sự đi xuống trong quan hệ song phương.
Phản ứng của Trung Quốc đối với việc xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi dữ dội hơn nhiều so với dự đoán của Nhật Bản, khiến chính quyền Tokyo phải nỗ lực giải quyết hậu quả.
“Tôi đã nghĩ Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách nào đó, nhưng không ngờ nó lại đi xa đến thế”, một quan chức cấp cao Nhật Bản giấu tên cho biết ngay sau khi Trung Quốc quyết định cấm tất cả hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản.
Khoảng 20%, tương đương 87,1 tỷ yên (597 triệu USD), lượng thủy sản của Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2022 - nhiều hơn bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào khác. Lệnh cấm toàn diện sẽ có tác động vô cùng lớn đến ngành đánh bắt cá của Nhật Bản.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang từ chối đàm phán với Nhật Bản trong thời điểm hiện tại. Ông Yamaguchi Matsuo, người đứng đầu đảng Công minh, dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc từ thứ Hai đến thứ Tư tuần này. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị hoãn lại vào phút cuối sau khi phía Trung Quốc cho biết về cơ bản đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đón tiếp.
Một số nhà quan sát cho rằng giới lãnh đạo Bắc Kinh đang tận dụng vụ xả nước ở Fukushima để xoa dịu sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng. Trung Quốc đang phải đối mặt với một thị trường bất động sản gặp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng trầm trọng và nền tài chính tại các chính quyền địa phương đang suy thoái.
Các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc đang cảm nhận được những tác động. “Lượng khách hàng trong giờ ăn tối đã giảm đáng kể”, quản lý một nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh cho biết.
Kỳ nghỉ hè sắp kết thúc tại các trường học dành cho học sinh Nhật Bản ở Trung Quốc. Các trường học Nhật Bản ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã hứng chịu các vụ tấn công ném đá và ném trứng. Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cho đến nay, chưa có cuộc biểu tình nào trên toàn quốc như năm 2012, khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.