Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam vẫn có những khó khăn khi đối diện với nỗi lo tỉ giá, hầu bao của người Việt giảm mạnh, sức cầu yếu.
Sức cầu yếu, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới
Bình luận về thực trạng nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng do độ mở cao, nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc lớn vào kinh tế thế giới.
“Bất kỳ một động thái nhỏ nào của kinh tế thế giới cũng tác động ngay tới nền kinh tế Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). |
Về tình hinh kinh tế thế giới hiện tại, ông Thành cho rằng quá trình phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều trắc trở do sức cầu yếu.
“Đầu tiên là kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và khó khăn này có thể còn đeo đẳng tới năm 2024. Các đối tác thương mại của Việt Nam cũng đều tăng trưởng không tốt. Theo dự báo của IMF, một số nền kinh tế lớn như Mỹ tránh được suy thoái nhưng năm 2024 tăng trưởng thấp hơn 2023. Nhật Bản, Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn. Duy nhất có khu vực tăng trưởng năm 2024 có thể sẽ cải thiện là nhóm ASEAN – 5”, ông Thành nhấn mạnh
Đặc trưng thứ hai là điều kiện tài chính tiền tệ. Lạm phát trên thế giới giảm nhanh hơn kỳ vọng. Tuy nhiên lạm phát đến năm 2024 ở các nước phát triển vẫn còn cách xa mục tiêu. TS Thành nhấn mạnh điều này có nghĩa là lãi suất điều hành của các đồng tiền chủ chốt vẫn neo ở mức cao ít nhất là đến giữa năm 2024.
Đặc trưng thứ ba là đối đầu địa chính trị, căng thẳng, xung đột lan rộng - điều này tác động không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế của các nước trên thế giới cũng như kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.
Áp lực tới từ tỷ giá chứ không phải lạm phát
Trong bối cảnh đó nhìn về nền kinh tế Việt Nam, ông Thành nói rằng: “Chúng ta vẫn được đánh giá là nơi tốt nhất khi chính trị ổn định, môi trường đầu tư vẫn đang được cải thiện, lợi thế so sánh vẫn còn”.
Về khó khăn của nền kinh tế, ông Thành đánh giá khó khăn vẫn còn đó, nợ xấu tăng nhanh nhất là với lĩnh vực bất động sản. Một số ngân hàng có nợ xấu nội bảng cũng đã vượt quá 3%, nợ xấu của VAMC cũng tăng nhanh.
"Nợ xấu của các ngân hàng cũng lành mạnh nhưng còn một số đơn vị còn khó khăn chưa được xử lý triệt để như ngân hàng “0 đồng" SCB", TS. Thành nói và cho rằng để đảm bảo thanh khoản ổn đinh, tỷ giá, lãi suất ở mức hợp lý cùng với cung tín dụng là bài toán không hề đơn giản. Tuy nhiên điểm tích cực là hiện áp lực tỷ giá đã giảm.
Tuy nhiên, theo ông Thành nền kinh tế vẫn còn những tín hiệu tích cực. Đó là thị trường bất động sản đang nỗ lực, các tín hiệu tích cực về thanh khoản, đã nhúc nhích đi lên.
Về xuất khẩu, chưa khi nào trong lịch sử xuất khẩu giảm mạnh như vậy. Tín hiệu phục hồi khu vực xuất khẩu bấp bênh, PMI từ đầu năm đều dưới ngưỡng 50 điểm ngoại trừ tháng 2 và tháng 8.
Ngoài ra, theo TS. Võ Trí Thành, một tin buồn là tiêu dùng đang chững lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đã trừ lạm phát tăng trên 8%, nhưng 9 tháng chỉ còn khoảng 7,5%, sau 10 tháng tốc độ tăng vẫn tốt nhưng chỉ còn khoảng 7%.
"Hầu bao” của người Việt đã giảm nhanh, trong đó, “lỗi của người giàu” là gần 3,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Chúng ta đang đi ngược khi thay vì xuất khẩu du lịch ta lại nhập khẩu du lịch.
Gợi mở cơ hội mới cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành đề cập đến một số từ khóa.
Thứ nhất là “phòng thủ” - theo ông, các doanh nghiệp phải biết chắt chiu, quản trị rủi ro về thông tin, kịch bản và làm cuốn chiếu.
Thứ hai là “tích cóp, nhặt nhạnh cơ hội” - "Qua tình hình thế giới và Việt Nam nói trên với môi trường, sự tăng trưởng không đồng đều. Khi mà thị trường này giảm, thị trường kia tăng thì ta phải chuyển đổi linh hoạt tới những nơi tiềm năng", ông nói.
Thứ 3 là “bắt nhịp xu thế” - trong đó, các ngành được quan tâm là công nghệ cao, giáo dục, y dược, bán dẫn, hàng không. Chuyên gia dự báo sẽ có rất nhiều đại gia lớn của thế giới đến TP. HCM trong thời gian tới. Đây là những cơ hội chưa từng có mà địa phương phải nắm bắt.
Riêng về xu hướng xanh, các tập đoàn tài chính lớn cam kết chỉ cho vay nếu đảm bảo một số tiêu chí “xanh” nhất định. Chuyên gia lấy ví dụ chuyển sang xe điện xanh cũng là cách để huy động vốn. Việt Nam có kinh tế tuần hoàn, đây không chỉ là cam kết mà là xu hướng chung của các hoạt động trên thị trường.
Ông nhận định chúng ta đang đi cùng, ăn cùng chuỗi cung ứng nhưng 10-15 năm nữa phải làm chủ được công nghệ lõi gồm bán dẫn, chip, vi mạch…
Song, để chơi cùng với “người lớn”, với “nhà giàu", ông cho rằng điều quan trọng số 1 là nền tảng để “bắt tay" doanh nghiệp lớn. Đó là văn hoá ứng xử, văn hoá doanh nghiệp, sự chân thành, đoàng hoàng, nghĩ lớn - điều này quan trọng trên cả nhân lực.
>>PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Kinh tế Việt Nam đang giống như người sau mổ, đi được là thành công rồi
Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025
3 tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam khi lãi suất USD giảm