Từ 1/1/2025 sẽ tăng mức hỗ trợ đối với đất chuyên trồng lúa
Nghị định số 112/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất và chất lượng cao.
Hỗ trợ đối với đất trồng lúa
Theo Nghị định số 112/2024/NĐ-CP, ngân sách Nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
1. Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa (quy định trước đây là 1 triệu đồng/ha/năm).
2. Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại (quy định trước đây là 500.000 đồng/ha/năm, trừ đất lúa nương mở rộng tự phát không theo quy hoạch).
3. Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo điểm 1 và điểm 2 trên được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Riêng đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025 là số liệu thống kê đất đai của năm 2023.
Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định tại điểm 3 do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
>> Chung cư phía Nam phục hồi rõ nét, nguồn cung cải thiện theo hướng cân bằng
Sử dụng kinh phí hỗ trợ
Theo Nghị định này, nguồn kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 12.
Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 14 do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh lập trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, quyết định cụ thể nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động sau:
- Hỗ trợ người sử dụng đất trồng lúa: Sử dụng giống lúa hợp pháp, áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; xây dựng mô hình trình diễn; hoạt động khuyến nông; tổ chức đào tạo, tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa.
- Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần.
- Sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã.
- Hỗ trợ mua bản quyền sở hữu giống lúa được bảo hộ.
Chính sách đầu tư và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng
Theo Nghị định mới, Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ trung hạn được cấp có thẩm quyền ban hành, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Quy trình, thủ tục thực hiện theo pháp luật về đầu tư công.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, giao thông tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Dự án áp dụng theo quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận; dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; dự án sản xuất hữu cơ được chứng nhận; dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Dự án chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm; dự án sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nguyên liệu và sản phẩm công nghệ cao từ lúa, gạo và phụ phẩm lúa, gạo đáp ứng theo quy định pháp luật về công nghệ cao.
Dự án theo quy định tại điểm trên phải có diện tích 500 ha trở lên, hoặc có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 40% nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án để mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ.
Nguồn vốn, đối tượng, quy trình hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã
Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao sẽ được áp dụng chính sách của Nhà nước theo hướng dẫn của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết để thực hiện các dự án sau tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao: Dự án áp dụng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận; dự án sản xuất hữu cơ được chứng nhận; dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Dự án sản xuất, chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm; dự án sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nguyên liệu sản phẩm công nghệ cao từ lúa, gạo và phụ phẩm từ lúa, gạo.
Dự án theo quy định tại điểm trên phải có diện tích 100 ha trở lên hoặc được Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% vốn đầu tư chi phí xây dựng hạ tầng dự án, mua sắm dây chuyền, thiết bị, công nghệ, bản quyền công nghệ nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ, quy định về hỗ trợ từ vốn đầu tư công, quy trình tổng hợp nhu cầu hỗ trợ, phương thức thực hiện hỗ trợ và cơ chế quản lý sau đầu tư thực hiện theo các quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị.
Nghị định số 112/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/9/2024.
Chính sách hỗ trợ cho địa phương và người sản xuất lúa theo quy định tại khoản 2 và Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.
Chính sách sử dụng kinh phí theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP) cũng được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.
>> Đất nền phía Nam 'nín thở' chờ khơi thông chính sách về thuế, Bảng giá đất
Khám phá biệt thự 1.000m2 hoành tráng như lâu đài của NSƯT Quang Tèo
Một cung đường đẹp hơn châu Âu, xuyên cánh đồng điện gió và 'tiểu sa mạc Sahara' của Việt Nam