Từ 10 đôi cầy đặc sản gây nuôi thành cả nghìn con, 9X thu 3 tỷ đồng một năm
Từ số tiền 100 triệu đồng có trong tay, 9X Vũ Hữu Thảo đã gây nuôi ra đàn cầy vòi mốc đặc sản 3.000 con. Nhờ đó, mỗi năm anh bỏ túi khoản lãi gần 1 tỷ đồng.
Buổi sáng, sau khi dẫn đoàn khách từ các tỉnh đến tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi cầy vòi mốc ở khu trang trại rộng vài hecta của mình, anh Vũ Hữu Thảo (SN 1991) ở xã Bằng Doãn (Đoan Hùng, Phú Thọ) chia sẻ, cơ nghiệp này được anh bắt đầu gây dựng từ 10 đôi cầy vòi mốc bố mẹ.
Cách đây 12 năm, anh là một đầu mối cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng ở Hà Nội. Nhận thấy các nhà hàng mình từng tiếp xúc có nhu cầu rất lớn đối với cầy vòi mốc (chồn hương, chồn mốc), anh nghĩ có thể nuôi loại đặc sản này để bán.
Thế rồi, 9X Vũ Hữu Thảo quyết định trở về quê nhà Đoan Hùng lập nghiệp. Khi đó, anh bỏ ra 100 triệu đồng đặt mua 10 cặp cầy vòi mốc bố mẹ về nuôi. Anh cũng bắt tay xây dựng khu chuồng trại. Bên trong, chuồng được phân thành các ô nhỏ để làm nhà cho cầy vòi mốc sinh sống.
Con vật này rất phàm ăn, lớn nhanh và sinh sản tốt. Theo đó, cầy sinh sản một lứa chính vào đầu năm, còn lứa phụ vào cuối năm. Mỗi lứa đẻ từ 2-4 con trở lên.
Cứ thế, sau 12 năm vừa nuôi vừa phát triển, đàn cầy vòi mốc của anh Thảo đã lên tới 3.000 con. Diện tích trang trại cũng được mở rộng quy mô lên 3ha.
Với hai khu dãy chuồng được xây dựng kiên cố lên tới 10.000m2, anh Thảo khoe, bên trong các ô chuồng đều là cầy bố mẹ, cầy con mới tách đàn và cầy nuôi thương phẩm.
Trang trại này nằm cách khá xa khu dân cư, đảm bảo các yếu tố chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời cũng giúp đàn cầy vòi mốc sinh trưởng và phát triển tốt.
Anh cho biết, thức ăn chính của cầy vòi mốc là cám ngô, nhưng phải sạch. Chuồng cho cầy ở phải thoáng mát, nhiệt độ duy trì dưới 35 độ C. Mỗi tuần, anh cho người phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng trại một lần và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để đàn cầy không bị mắc bệnh ngoài da, viêm phổi.
“Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cầy vòi mốc có tỷ lệ sinh sản thấp, bị bệnh và chết. Lúc đó, tôi vừa làm vừa lo mất trắng vốn liếng”, anh kể.
Song, không chịu bỏ cuộc, mỗi lần thất bại anh Thảo lại rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm. Anh cũng mua sách về đọc để hiểu rõ hơn đặc tính sinh sống, các bệnh và cách chữa bệnh mà cầy hay mắc phải.
Ví như, nếu cầy mẹ mang thai tách trước tháng 5 Âm lịch thì một năm có thể sinh sản 2 lứa; còn nếu tách sau thời gian này, một năm chỉ sinh sản 1 lứa. Khi mới sinh sản, tuyệt đối không được tiếp cận để kiểm tra cầy con, mà phải đợi đến lúc chúng mở mắt. Bởi nếu kiểm tra sớm, cầy mẹ sẽ cắn con hoặc tha đi tha lại dẫn đến con non bị chết.
Cầy mẹ mới sinh sản cũng cần bổ sung thức ăn vào buổi sáng, có thể cho ăn trứng vịt lộn hoặc cá đã luộc chín để tăng chất đạm. Nhờ đó, cầy mẹ sẽ có nhiều sữa cho cầy con.
Hay, với đàn cầy con sẽ cho ăn 2 bữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, giúp chúng phát triển tốt. Còn đối với đàn cầy bố mẹ, thời điểm chuẩn bị ghép đôi chỉ cho ăn 1 bữa/ngày để chúng không bị béo, khi phối giống sẽ đạt tỷ lệ cao.
Quá trình vừa nuôi cầy vòi mốc vừa học này của anh Thảo mất 2 năm. Đến năm thứ ba, mọi thứ bắt đầu suôn sẻ. Đàn cầy cũng ngày một nhiều, lại sinh trưởng tốt.
Theo anh Thảo, cầy vòi mốc có giá trị kinh tế cao. Hiện, anh bán cầy giống với giá gần 20 triệu đồng/cặp, cầy thịt thương phẩm khoảng 2 triệu đồng/kg.
Ưu điểm vượt trội của con cầy vòi mốc là thịt thơm ngon, ít mỡ, được nhiều thực khách và các nhà hàng chọn làm món ăn đặc sản. Do đó, lượng cầy xuất bán luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Nhờ vậy, trang trại cầy vòi mốc 3.000 con đã đem về cho anh Thảo khoản thu lên tới 3 tỷ đồng mỗi năm. Trừ đi chi phí, anh bỏ túi gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên ở địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu/tháng.
>>Chàng kỹ sư bỏ việc về quê dựng trang trại nuôi chồn hương tiền tỉ
Chàng kỹ sư bỏ việc về quê dựng trang trại nuôi chồn hương tiền tỉ
Sở hữu trại chồn hương lớn nhất huyện, vợ chồng 7X thu nhập tiền tỷ sau 2 năm