Từ Kashmir đến sông Ấn: Mâu thuẫn kéo dài 77 năm leo thang chỉ sau một đêm, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan tiến vào vùng nguy cơ mới
Hai tuần sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào du khách tại Kashmir hôm 22/4, Ấn Độ tuyên bố đã tiến hành các cuộc không kích "chính xác và kiềm chế" nhằm vào các “trại khủng bố” nằm trong lãnh thổ Pakistan. Đáp trả, Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 5 máy bay Ấn Độ.
Kịch bản leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ - Pakistan chắn hẳn không gây ngạc nhiên với những ai hiểu rõ lịch sử quan hệ đầy thù địch giữa hai quốc gia kể từ sau cuộc chia tách đẫm máu năm 1947, khi Anh rút khỏi tiểu lục địa Ấn Độ.
Từ đó đến nay, Ấn Độ và Pakistan thường xuyên đối đầu, với tâm điểm là khu vực Kashmir – vùng lãnh thổ trên dãy Himalaya mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền toàn phần, trong khi thực tế lại chia nhau quản lý từng phần.

Hận thù lịch sử chưa thể hóa giải
Ngay từ thời điểm giành độc lập, Ấn Độ và Pakistan đã được phân chia theo ranh giới tôn giáo – với Pakistan là quốc gia Hồi giáo, còn Ấn Độ theo thể chế dân chủ thế tục với đa số dân theo đạo Hindu. Việc vẽ lại bản đồ lãnh thổ đã khiến gần 14 triệu người phải di dời, kéo theo làn sóng bạo lực giáo phái khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng.
Hai nước đã nhiều lần giao tranh – trong đó có hai cuộc chiến lớn liên quan đến Kashmir. Tại Pakistan, nhiều thế hệ lãnh đạo coi Ấn Độ là mối đe dọa sống còn, và một bộ phận vẫn tin rằng New Delhi chưa từng từ bỏ ý định “đảo ngược lịch sử”.

Tình báo Ấn Độ cũng cáo buộc nhiều vụ tấn công khủng bố từ năm 2001 đến 2019 đều có dấu vết từ Pakistan. Dù cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan từng cam kết dẹp bỏ các nhóm cực đoan, lời hứa này chưa thành hiện thực. Trong khi đó, quyền lực thực sự về đối ngoại và an ninh của Pakistan lại nằm trong tay quân đội và cơ quan tình báo ISI.
Vì sao Kashmir luôn là điểm nóng?
Vào thời điểm chia tách, các vương quốc bán tự trị ở tiểu lục địa được tự quyết định gia nhập Ấn Độ hoặc Pakistan. Jammu và Kashmir – vùng lãnh thổ có đa số dân Hồi giáo nhưng được cai trị bởi một vị vua theo đạo Hindu – đã trì hoãn quyết định. Sau đó, Pakistan hậu thuẫn một cuộc xâm nhập của lực lượng bán vũ trang, buộc Ấn Độ can thiệp quân sự. Cuộc chiến kết thúc trong thế giằng co.

Hiện nay, hai nước kiểm soát phần lãnh thổ riêng biệt và đối đầu tại “Đường kiểm soát” dài 740km – một trong những vùng biên giới quân sự hóa cao nhất thế giới. Ngoài ra, khu vực này còn có hai phần đất do Trung Quốc kiểm soát nhưng bị Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.
New Delhi cáo buộc Islamabad tài trợ cho các nhóm vũ trang tại Kashmir, trong khi Pakistan chỉ trích Ấn Độ đàn áp người Hồi giáo ở đây và gọi các tay súng là “chiến binh tự do”. Chính phủ Ấn Độ khẳng định các phần tử này được huấn luyện, tài trợ bởi quân đội Pakistan, trong khi các thủ lĩnh của họ vẫn sống tự do ở Islamabad.
Năm 2019, Ấn Độ xóa bỏ quyền tự trị đặc biệt của Kashmir, tăng cường hiện diện quân sự và kiểm soát chặt hơn. Dù vậy, ngành du lịch tại khu vực nổi tiếng với cảnh quan núi non hùng vĩ này đã có dấu hiệu phục hồi trong những năm gần đây.
Hệ lụy sau vụ tấn công ngày 22/4
Chỉ trong vòng 14 giờ sau vụ việc, Ấn Độ đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan. Đáp lại, Pakistan cấm máy bay Ấn Độ đi qua không phận và ngừng toàn bộ hoạt động thương mại song phương.
Việc đóng cửa không phận buộc các hãng hàng không Ấn Độ phải bay vòng hàng giờ khi hướng về phương Tây, làm tăng đáng kể chi phí vận hành. Tuy nhiên, thương mại hai nước vốn đã ở mức thấp – theo Bộ Thương mại Ấn Độ, trong năm tài chính 2023–2024, nước này chỉ nhập khẩu 2,88 triệu USD hàng hóa từ Pakistan, trong khi xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Số lượng khách du lịch đến Kashmir có thể sẽ sụt giảm. Nhưng mối lo lớn hơn nằm ở việc Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn – một động thái có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Pakistan trong dài hạn.
Hiệp ước sông Ấn
Hiệp ước này điều phối việc sử dụng sáu con sông bắt nguồn từ dãy Himalaya – nguồn cung cấp nước quan trọng cho nông nghiệp và thủy điện của cả hai quốc gia. Sau gần một thập kỷ đàm phán, hiệp ước được ký kết vào thập niên 1960 với sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới. Theo thỏa thuận, mỗi bên được toàn quyền sử dụng ba con sông và không được can thiệp vào phần thuộc chủ quyền của bên còn lại.
Sau khi Ấn Độ tạm dừng thực hiện hiệp ước, lưu lượng nước chảy sang Pakistan đã giảm tới 90%, theo Cơ quan quản lý hệ thống sông Ấn của Pakistan. Nếu tình trạng này kéo dài, khu vực nông nghiệp phía bắc Pakistan có nguy cơ bị tàn phá nặng nề.
Hiện Ấn Độ chưa đủ cơ sở hạ tầng để chuyển dòng nước quy mô lớn, nhưng với việc tạm ngừng hiệp ước, nước này có thể tiến hành các dự án nhỏ ven sông mà không cần sự đồng thuận từ Pakistan. Nếu muốn can thiệp sâu hơn, New Delhi sẽ cần đầu tư hàng tỷ USD để tăng khả năng tích trữ nước.

Pakistan khẳng định hiệp ước mang tính ràng buộc và tuyên bố sẽ đáp trả "bằng toàn lực" nếu có hành vi vi phạm. Hai bên có thể đề nghị bên thứ ba trung gian, chuyên gia độc lập hoặc tòa trọng tài quốc tế trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Nguy cơ chiến tranh có thật sự hiện hữu?
Khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện trên nhiều mặt trận được đánh giá là khó xảy ra, vì cả hai chính phủ đều nhận thức rõ rủi ro leo thang – đặc biệt khi hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, các cường quốc từng can thiệp nhằm hạ nhiệt tình hình, lo ngại xung đột có thể vượt ngoài kiểm soát.
Những cuộc chiến năm 1947 và 1965 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Xung đột năm 1999 tại vùng Kargil kết thúc sau chưa đầy ba tháng dưới áp lực mạnh mẽ từ Mỹ, trong đó có lời đe dọa rút khoản vay của IMF dành cho Pakistan.
Những lần leo thang gần đây thường kết thúc nhanh chóng. Năm 2019, Ấn Độ thực hiện không kích trên lãnh thổ Pakistan – lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ – nhưng hai bên nhanh chóng xuống thang dù đã có đụng độ trên không.
Triển vọng hòa giải còn xa vời
Hy vọng về một tiến trình hòa giải thực chất giữa hai nước hiện khá mong manh. Quan điểm cứng rắn với Pakistan ngày càng rõ nét dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. New Delhi tuyên bố chỉ khởi động đàm phán nếu Islamabad triệt phá các nhóm vũ trang đe dọa đến an ninh Ấn Độ.
Ngay cả khi chính quyền dân sự Pakistan muốn hàn gắn, họ vẫn phải vượt qua rào cản lớn từ giới quân đội – lực lượng luôn nghi ngờ bất kỳ động thái hòa giải nào. Năm 2019, khi Ấn Độ bãi bỏ quyền tự trị của Kashmir, quân đội Pakistan đã rút lại đề xuất cho phép Ấn Độ sử dụng hành lang thương mại qua lãnh thổ Pakistan nối với Afghanistan và Trung Á. Từ đó, Islamabad tuyên bố chỉ đàm phán nếu New Delhi đảo ngược quyết định trên.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến hai nước ít có động lực cải thiện quan hệ. Những năm gần đây, Ấn Độ ngày càng xích lại gần Washington, trong khi Pakistan – từng là đồng minh an ninh của Mỹ – đã chuyển hướng sang Bắc Kinh, nước đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng của Pakistan theo sáng kiến Vành đai và Con đường.