Không chờ đợi Mỹ: 2 siêu cường 'đi trước một bước', ký thỏa thuận lịch sử cắt giảm tới 90% thuế xuất khẩu
Đây là nỗ lực từ cả hai phía nhằm giảm thiểu tác động từ các chính sách bảo hộ thương mại đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump tái thúc đẩy.
Anh và Ấn Độ vừa ký kết một thỏa thuận thương mại tự do lớn, cắt giảm thuế quan đối với hàng loạt mặt hàng như mỹ phẩm, ô tô, rượu và nhiều sản phẩm khác.
Với giá trị thương mại song phương lên tới 42,6 tỷ bảng Anh (tương đương 57 tỷ USD), đây là hiệp định thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ khi rời EU và là thỏa thuận đầu tiên của Ấn Độ với một nền kinh tế châu Âu. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chấp nhận lời mời thăm chính thức Ấn Độ từ người đồng cấp Narendra Modi để khẳng định cam kết thực thi thỏa thuận này – thành quả sau hơn 3 năm đàm phán dưới 4 đời thủ tướng Anh.

Cả hai nhà lãnh đạo đều muốn củng cố vị thế trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, đặc biệt là khi ông Trump tái nhiệm và áp đặt thêm thuế quan. Dù vậy, theo ước tính của các chuyên gia, hiệp định này chỉ góp thêm khoảng 0,1% vào tăng trưởng GDP dài hạn của Anh.
“Trước những cú sốc như Brexit hay ông Trump phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu, thỏa thuận này chỉ là một bước tiến nhỏ”, giáo sư Alan Winters, chuyên gia thương mại tại Đại học Sussex, nhận định. “Vấn đề lớn hơn là thương mại với EU và ảnh hưởng của chính sách của Trump đến hệ thống toàn cầu”.

Ấn Độ củng cố vị thế thay thế Trung Quốc
Vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới từ năm 2021, Ấn Độ kỳ vọng thỏa thuận này sẽ nâng cao vị thế như một điểm đến đầu tư thay thế Trung Quốc. Trong khi đó, Anh muốn thể hiện sự chủ động trong quan hệ thương mại hậu Brexit và trước làn sóng bảo hộ mới từ Mỹ. Hiện có hơn 1,9 triệu người gốc Ấn đang sinh sống tại Anh – quốc gia từng đô hộ tiểu lục địa này cho đến năm 1947.
Thủ tướng Starmer gọi đây là “bước tiến quan trọng” giúp tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng. Còn Thủ tướng Modi khẳng định hiệp định sẽ “thúc đẩy đổi mới, tạo động lực thương mại và đầu tư”. Ông cũng nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ bao gồm một điều ước tránh đánh thuế hai lần đối với người lao động di chuyển giữa hai nước.

Mark Tucker, Chủ tịch Tập đoàn HSBC, nhận định thỏa thuận có “tiềm năng rất lớn” đối với cả hai nền kinh tế. Các hãng rượu như Diageo và Pernod – vốn có khoảng 12% doanh thu từ thị trường Ấn Độ – sẽ được hưởng lợi lớn.
Giảm mạnh thuế với hàng hóa hai chiều
Theo Bộ Thương mại Anh, người tiêu dùng Ấn Độ sẽ được tiếp cận với các sản phẩm Anh có giá rẻ hơn như mỹ phẩm, thiết bị y tế, thịt cừu, cá hồi, chocolate và đồ điện tử. Ngược lại, người dân Anh sẽ được mua quần áo, giày dép và thực phẩm từ Ấn Độ với giá rẻ hơn.
Cụ thể, khoảng 90% dòng thuế xuất khẩu từ Anh sang Ấn Độ sẽ được cắt giảm, trong đó 85% sẽ về 0% trong vòng 10 năm. Thuế rượu whisky và gin sẽ giảm từ 150% xuống 75%, rồi xuống 40% vào năm thứ 10. Với ngành ô tô, thuế sẽ giảm từ 100% xuống còn 10% theo hạn ngạch.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ được miễn hoặc giảm thuế đối với 99% dòng thuế xuất khẩu sang Anh, đồng thời được tiếp cận thị trường dịch vụ như công nghệ thông tin. Một cơ chế bảo vệ đặc biệt cũng được thiết lập để Ấn Độ có thể khiếu nại nếu bị ảnh hưởng bởi quy định phát thải carbon của châu Âu.
Đây cũng là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên mà chính phủ Modi ký kết trong suốt một thập kỷ, và là bước đệm cho các đàm phán với Liên minh châu Âu đang diễn ra.
Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, Đảng Bảo thủ – hiện là phe đối lập – đã chỉ trích nội dung miễn đóng bảo hiểm quốc gia cho người lao động Ấn Độ lưu trú dưới ba năm. Bộ trưởng phụ trách kinh doanh trong nội các đối lập, Andrew Griffith, viết trên mạng xã hội: “Cứ mỗi lần Công đảng đàm phán là nước Anh lại chịu thiệt". Bộ trưởng Tư pháp đối lập Robert Jenrick cũng lên tiếng: “Người lao động Anh phải trả giá cho ưu đãi với người nhập cư”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds khẳng định đây là thỏa thuận hai chiều, giúp tránh đánh thuế hai lần cho cả người Anh làm việc tạm thời tại Ấn Độ. Ông nói thêm rằng cơ chế này vốn đã áp dụng với nhiều quốc gia khác, không riêng Ấn Độ.
Reynolds cho biết các công ty Anh sẽ có cơ hội tiếp cận các hợp đồng mua sắm công tại Ấn Độ – một cơ hội “đầy tiềm năng” trong dài hạn. Ông kỳ vọng hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau khoảng 12 tháng, khi hai bên hoàn tất quy trình pháp lý trong nước.
Kỳ vọng bứt phá hậu Brexit
Tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước trong năm 2024 đạt 42,6 tỷ bảng, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 11 của Anh. Chính phủ Anh kỳ vọng hiệp định sẽ giúp tăng kim ngạch song phương thêm 25,5 tỷ bảng mỗi năm trong dài hạn.
Đây là thắng lợi chính trị đầu tiên về thương mại của Thủ tướng Starmer sau 10 tháng nắm quyền, trong bối cảnh ông đang chịu áp lực phải vực dậy tăng trưởng kinh tế trì trệ của nước Anh. Hiệp định này nối dài chuỗi thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit, sau các hiệp định với Australia, New Zealand và việc gia nhập CPTPP.

Đàm phán về FTA giữa Anh và Ấn Độ bắt đầu từ năm 2021 dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, với mục tiêu hoàn tất trước lễ Diwali năm 2022. Tuy nhiên, nhiều thời hạn tự đặt đã bị bỏ lỡ do bất đồng về các điều khoản then chốt. Các cuộc đàm phán chỉ mới được nối lại trong năm nay, khi cả New Delhi và London đều tìm cách “đi trước” trong cuộc đua thương mại với Mỹ, nhằm tránh nguy cơ phải đối mặt với các rào cản thuế quan từ ông Trump.
Rain Newton-Smith, Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh, nhận định, “Hiệp định với Ấn Độ là điểm sáng giữa bức tranh đầy rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu”.