Đã có không ít vụ thao túng thị trường chứng khoán bị đưa ra xét xử, án phạt cao nhất là tù chung thân.
Những ngày vừa qua thị trường chứng khoán liên tục được cập nhật thông tin về vụ thao túng thị trường chứng khoán đối với nhóm cổ phiếu họ nhà Apec. Vụ việc một lần nữa khiến nhiều nhà đầu tư kể khổ.
Vụ việc cũng khiến các nhà đầu tư nhìn lại thị trường chứng khoán những năm qua. Đã có không ít vụ thao túng rúng động, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dính vòng lao lý.
Từ vụ các lãnh đạo nhóm Apec bị bắt tạm giam
Ngày 28/6, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Hà Nội đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 5 bị can gồm ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương; bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ Nguyễn Đỗ Lăng; ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Nguyễn Thị Thanh, Kế toán trưởng Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Phạm Thị Đức Việt, Phó phòng Dịch vụ khách hàng Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.
Trước đó ngày 23/6 Ủy ban chứng khoán Nhà nước thông tin cho biết đã nhận được thông báo từ cơ quan an ninh điều tra – Công an thành phố Hà Nội về quyết định khởi tố vụ án hình sự “thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API)) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)".
Toàn cảnh vụ việc, nhóm cổ phiếu API, APS và IDJ liên quan hệ sinh thái Apec của ông Nguyễn Đỗ Lăng đã tạo những sóng lớn trong năm 2021 và 2022. Những cổ phiếu này từng tăng 5-10 lần chỉ trong thời gian ngắn và cũng giảm sâu nhanh chóng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Nhiều nhà đầu tư hiện đang mắc kẹt khi thông tin tung ra, nhóm cổ phiếu họ Apec dư bán sàn hàng chục cổ triệu cổ phiếu, không thể "thoát hàng".
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - nhân vật chủ chốt trong hệ sinh thái Apec. |
Nhìn lại vụ thao túng chứng khoán tại nhóm Louis của Đỗ Thành Nhân
Từ vụ Apec, khiến các nhà đầu tư nhìn lại những vụ thao túng thị trường chứng khoán rúng động trước đó.
Ngày 20/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Chứng khoán Trí Việt (TVB), Louis Holdings, Louis Capital, Louis Land và các đơn vị liên quan.
Theo điều tra của Cơ quan Công an, trong thời gian từ 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân đã thông đồng với Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính 155 tỷ đồng.
Kết luận bổ sung của cơ quan điều tra vào ngày 14/12/2022, có thêm 4 cá nhân bị khởi tố là Vũ Ngọc Long, Ngô Thục Vũ, Lê Thị Thu Hương, Phạm Thanh Tùng. Trong đó ông Long và ông Vũ đã đồng ý cho ông Đỗ Thành Nhân sử dụng các tài khoản chứng khoán cá nhân của mình để mua bán chứng khoán đồng thời ký hợp thức các phiếu lệnh của tài khoản chứng khoán cá nhân, ký các chứng từ chuyển tiền, rút nộp tiền nhằm thao túng giá cổ phiếu BII, TGG.
Kết thúc vụ án, Đỗ Thành Nhân chịu mức phạt cao nhất là 5 năm 6 tháng tù. Đồng thời, ông Nhân phải nộp 140 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong vụ án.
Chân dung các bị cáo Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam và Phạm Thanh Tùng |
Thông tin mới nhất, Đỗ Thành Nhân đã làm đơn kháng cáo, cho rằng mức án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên là quá nghiêm khắc và trách nhiệm dân sự mà bị cáo phải khắc phục một mình là chưa hợp lý.
Đỗ Thành Nhân còn lý giải, bị cáo không phải là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này. Để xảy ra hành vi vi phạm là do bị cáo thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về thị trường chứng khoán và pháp luật nên đã bị người khác lợi dụng để trục lợi.
Theo đơn kháng cáo, chủ thể thu hồi tiền gây thiệt hại ở đây phải là Công ty Louis Capital, đây là đơn vị trực tiếp bán cổ phần BII ra thị trường và là đơn vị nhận tiền trực tiếp từ các hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Vì vậy, bị cáo Nhân cho rằng Công ty Louis Capital phải là đơn vị chịu trách nhiệm dân sự cùng với mình.
Vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết của FLC
Năm 2022 vụ án thao túng thị trường chứng khoán rúng động nhất là vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Trước đó hồi đầu tháng 1/2022, ông Trịnh Văn Quyết được phát giác bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.
Ngày 29/3/2022, Bộ Công an thông tin về việc quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Đến cuối tháng 3/2022, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch thường trực và Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán BOS cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 25/8/2022, Bộ Công an đã khởi tố Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) và các công ty có liên quan.
Điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2016 nhóm liên quan Trịnh Văn Quyết có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống tại Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết và nhóm FLC kéo dài, rất nhiều thành viên khác lần lượt bị điều tra. Mới đây nhất, ngày 23/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra về tội "thao túng thị trường chứng khoán" thêm 15 cá nhân liên quan. Trong số này có 2 nhân viên của Tập đoàn FLC là Đỗ Thị Huyền Trang - Phó Phòng kế toán và Nguyễn Thị Nga - nhân viên Ban kế toán.
Ngoài ra còn 8 bị can là lãnh đạo, nhân viên các công ty con của Tập đoàn FLC gồm: Trịnh Văn Đại - Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng FLC Faros; Trịnh Thị Thanh Huyền, nhân viên Công ty FLC Homes; Trịnh Tuân - Trưởng Phòng vật tư Công ty FLC Land; Hoàng Thị Huệ - cựu nhân viên CTCP Thương mại và Dịch vụ số FLC; Trịnh Văn Nam - cựu nhân viên CTCP Hàng không Tre Việt; Nguyễn Văn Mạnh - nhân viên Phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Nguyễn Quang Trung - lái xe Bệnh viện đa khoa Hà Thành và Nguyễn Thị Hồng Dung.
5 người còn lại làm việc tại CTCP Chứng khoán BOS gồm Nguyễn Thị Thanh Phương - Trưởng Phòng Dịch vụ chứng khoán; Nguyễn Thị Thu Thơm - cựu Phó Phòng Dịch vụ chứng khoán; Bùi Ngọc Tú - Phó Phòng Dịch vụ chứng khoán và Quách Thị Xuân Thu - Kế toán trưởng và Trần Thị Lan.
Hệ lụy để lại là nhiều nhà đầu tư khóc ròng. Nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC là HAI, ART, KLF, ROS, FLC, GAB, AMD đến nay đã sạch bóng trên sàn chứng khoán, trong số đó FLC, ROS, HAI và mới đây là GAB đã nhận án hủy niêm yết, những cổ phiếu còn lại đang bị đình chỉ giao dịch.
Đã có lãnh đạo nhận án tù chung thân vì thao túng thị trường chứng khoán
Đến nay án phạt cao nhất trong các vụ án thao túng thị trường chứng khoán bị đưa ra xét xử là tù chung thân. Vụ án xảy ra năm 2019 liên quan việc thao túng giá cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và khoáng sản Miền Trung.
Nhóm đối tượng phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch MTM lĩnh án Chung thân; Vũ Thị Hoa, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần khoáng sản Nari Habico, 12 năm tù; Nguyễn Lê Trường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty MTM, 12 năm tù.
Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch Công ty MTM |
Các bị cáo thuộc nhóm đối tượng phạm tội "thao túng giá chứng khoán" gồm Bùi Thiên Lý, trú ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, và Đỗ Hữu Tài, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, cùng bị tuyên 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngoài ra còn nhóm đối tượng bị cáo buộc tội “làm giả tài liệu liên quan các cơ quan tổ chức”, và nhóm đối tượng “giả mạo trong công tác”…
Theo thông báo kết quả điều tra vụ án hình sự, "Kết quả điều tra xác định: Các bị can đã làm giả chứng từ, hồ sơ kế toán, hồ sơ công ty đại chúng của Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung; lập khống hồ sơ đăng ký giao dịch; tạo cung cầu giả tạo để bán cổ phiếu MTM trên thị trường Upcom, lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư cổ phiếu".
Theo cáo trạng, Công ty MTM không có tài sản, không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí trụ sở, theo đột kích của các nhóm phóng viên, thì là một quán ăn.
Nhóm đối tượng đã làm giả hồ sơ để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom, sau đó thu lợi bất chính từ số cổ phiếu bán ra. Ước tính có hơn 1.000 bị hại trong vụ việc.
Rất nhiều án phạt giao dịch chui cổ phiếu trên sàn chứng khoán
Trên sàn chứng khoán cũng đã xuất hiện rất nhiều án phạt liên quan đến những giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin theo quy định. Mới đây nhất nam ca sĩ Phạm Khánh Phương - ca sĩ gắn liền với bài hát Chiếc khăn gió ấm - bị phạt tổng cộng 245 triệu đồng do giao dịch cổ phiếu SJC của CTCP Sông Đà 1.01 mà không báo cáo, hoặc báo cáo không đúng thời hạn.
Những án phạt như của nam ca sĩ này xuất hiện rất nhiều trên thị trường, dấy lên lo ngại về những vụ việc nghiêm trọng hơn như hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nỗi khổ cuối cùng luôn là các nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề.
Nhóm Apec nói gì về việc ông Nguyễn Đỗ Lăng bị bắt?
Cho mượn tài khoản dẫn tới thao túng thị trường chứng khoán, 23 nhà đầu tư bị phạt nặng
Đề nghị kiểm toán vốn doanh nghiệp trước IPO để chặn hành vi nâng vốn khống