Ngoài chủ nợ Hưng Thịnh, Vietravel còn có khoản vay nợ trái phiếu thường với giá trị 500 tỷ đồng là trái phiếu phát hành cho Chứng khoán VPS được đảm bảo bởi trái phiếu của CTCP Nông nghiệp Trường Hải.
Vietravel (mã chứng khoán: VTR) vừa công bố thông tin triển khai phương án phát hành 12 triệu cổ phiếu để hoán đổi công nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Tin tức này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi mà trong lần này, Vietravel đã phải dùng đến phương án "bán máu" cho chủ nợ.
Vietravel phát hành 6 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ với CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh với giá phát hành 28.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị các khoán nợ được hoán đổi là 168 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi nợ 2,8:1, tương ứng 28.000 đồng công nợ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu phổ thông phát hành thêm.
Nói về khoản vay với Tập đoàn Hưng Thịnh – đây là khoản vay vốn để bổ sung vốn lưu động với lãi suất 11,5%/năm, thời hạn vay 6 tháng có thể gia hạn thêm tối đa 1 tháng theo hợp đồng vay ký ngày 26/11/2021. Khoản vay này được thế chấp bằng 6 triệu cổ phiếu VTR do CTCP Vietravel Holdings sở hữu và được hoán đổi thành cổ phần phổ thông của công ty. Số cổ phần hoán đổi này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, và việc quyết định hoán đổi hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Điều đáng nói là mức giá hoán đổi nợ lấy cổ phần lên đến 28.000 đồng và mức giá này được chốt đã chiết khấu khoảng 20% so với giá bình quân của cổ phiếu VTR từ cuối năm 2021 đến tháng 3/2022. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu VTR đã giảm về ngang ngửa với giá hoán đổi nợ.
Hưng Thịnh có vẻ khá "thiệt" khi giá hoán đổi nợ còn cao hơn rất nhiều so với giá mà Vietravel đang muốn huy động theo hình thức riêng lẻ là 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động khoảng 72 tỷ đồng trang trải tiền lương và thanh toán nợ ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ.
Nhưng bù lại, Hưng Thịnh với 6 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ đã thành cổ đông lớn sở hữu khoảng hơn 20% vốn điều lệ của Vietravel nếu Vietravel hoán đổi và chào bán riêng lẻ thành công. Tỷ lệ sở hữu của Hưng Thịnh tại Vietravel chỉ thua cổ đông lớn nhất là Vietravel Holdings với tỷ lệ sở hữu tạm tính khoảng 24% sau đợt phát hành.
VPS sẽ ra sao với khoản trái phiếu 500 tỷ đồng?
Bức tranh tài chính của Vietravel trở thành chủ đề nóng hổi còn bởi vì, ngoài chủ nợ Hưng Thịnh ra thì Vietravel còn có khoản vay nợ trái phiếu thường với giá trị 500 tỷ đồng là trái phiếu phát hành cho Chứng khoán VPS có thời hạn 24 tháng, tài sản đảm bảo là khoản đầu tư trái phiếu phát hành năm 2021 bởi CTCP Nông nghiệp Trường Hải sở hữu bởi CTCP Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Hiện tại, món nợ lớn với VPS cũng đang khiến giới đầu tư tò mò khi Vietravel hiện tại đã ngập trong nợ nần, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý 1/2022 âm đến hơn 16 tỷ đồng và quý 1 nỗ lực đi vay được 11 tỷ đồng không đủ bù dòng tiền chi trả nợ gốc vay lên đến hơn 60 tỷ đồng.
Nếu không vay nợ được hoặc việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu không thành công thì khả năng trả nợ của Vietravel cho VPS cũng là dấu hỏi lớn khi mà riêng tiền chi lãi suất cho khoản trái phiếu của VPS mỗi năm cũng lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Chưa kể, BCTC hợp nhất quý 1/2022 ghi nhận đến 31/12/2022 Vietravel còn có khoản vay ngân hàng hơn 415 tỷ đồng. Đáng chú ý, tất các các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo, đều vay để bổ sung vốn lưu động.
Khoản vay với Vietcombank Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh có dư nợ đến 31/3/2022 là hơn 72,12 tỷ đồng là khoản vay không tài sản đảm bảo, theo hồ sơ vay tháng 12/2020 và hợp đồng sửa đổi bổ sung ký ngày 17/9/2021, thời hạn vay không quá 6 tháng và khoản vay này đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ đến tháng 1/2023 với dư nợ gốc hơn 58,6 tỷ đồng. Đây cũng chính là khoản vay mà Vietravel cần huy động vốn để trả đợt này.
Không phải VietcomBank, chủ nợ lớn nhất của Vietravel là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh 7 Thành phố Hồ Chí Minh với dư nợ đến 31/3/2022 hơn 196 tỷ đồng. Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với dư nợ hơn 142 tỷ đồng.