Mức xử phạt hành chính (tối đa) theo quy định đối với Chủ tịch Tập đoàn FLC gần như "muối bỏ bể" nếu đặt cạnh số tiền hàng nghìn tỷ mà ông Quyết thu về.
Ông Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có công bố thông tin về việc giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Như đã thông tin, chiều ngày 10/1/2022 (17 giờ 45 phút), UBCKNN đã nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/1/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Tập đoàn FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, trong thông báo đầu tiên, giao dịch cổ phiếu FLC của người nội bộ là ông Trịnh Văn Quyết gửi UBCKNN và HOSE đề ngày 5/1/2022, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 - 17/1/2022. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Xem thêm tại đây!
Ngay sau phiên khớp lệnh đột biến gần 135 triệu cổ phiếu - tương đương 19% vốn điều lệ doanh nghiệp, mã FLC tiếp tục phá kỷ lục thanh khoản trong phiên 11/1 với gần 155 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.
Tính chung, sau 2 phiên đầu tuần, cổ phiếu FLC đạt tổng khối lượng khớp lệnh gần 290 triệu đơn vị.
Kết phiên 11/1/2022, cổ phiếu FLC giảm gần 6% về còn 19.900 đồng.
Mức xử phạt nào cho "ngài Chủ tịch"?
Theo Nghị định số 128 của Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi công bố thông tin không đúng về thời hạn về việc dự kiến giao dịch sẽ bị phạt 3% - 5% giá trị đăng ký giao dịch nhưng không quá 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân) nếu giao dịch có giá từ 10 tỷ đồng trở lên.
Với lượng đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, giá trị giao dịch tính theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng còn theo giá thị trường là gần 3.500 tỷ đồng (tính giá chốt phiên 11/1).
Như vậy, nếu bị UBCKNN xử phạt, khoản tiền tối đa ông Quyết bị phạt trong hành vi này là 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức xử phạt này gần như "muối bỏ bể" nếu đặt cạnh số tiền nghìn tỷ mà ông Quyết thu về.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 hồi đầu tháng 1/2022, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên UBCKNN đã giảm bớt các đoàn kiểm tra định kỳ nhưng gia tăng các đoàn kiểm tra đột xuất đối với các diễn biến phức tạp trên thị trường.
Theo đó, trong năm 2021, UBCKNN đã ban hành tất cả là 471 quyết định xử phạt hành chính, hiện đang phối hợp với Bộ Công an xử lý 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Theo bà Bình, các hành vi vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin vẫn luôn có số lượng nhiều nhất trên thị trường, những hành vi này thì chủ yếu bắt nguồn từ việc các chủ thể, các đối tượng tham gia thị trường người ta chưa nắm được hết các quy định pháp luật, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định pháp luật một cách chủ động.
Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện nhiều các hành vi vi phạm có dấu hiệu của hoạt động thao túng; nhiều giao dịch tương đối bất thường tại một số loại cổ phiếu.
Cần mở rộng mức độ xử phạt "cá mập" để bảo vệ "cá con"
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, việc Chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không thực hiện công bố thông tin sai phạm là rất rõ ràng.
Ngoài việc áp dụng chế tài xử phạt bằng tiền như quy định, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong đó cá nhân vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc.
Cá nhân vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp đại chúng bị hạn chế, hoàn toàn không giống cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ. Quy định này nhằm bảo vệ các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thêm vào đó, các công ty cổ phần, công ty đại chúng số lượng chủ sở hữu rất lớn, sử dụng vốn đại chúng để kinh doanh nên công khai, minh bạch là nguyên tắc tối quan trọng.
Vì thế, Luật sư Lập cho rằng, vi phạm của Chủ tịch Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính đơn thuần do đã để lại hậu quả vật chất. Vì thế, lý do sơ suất không công bố thông tin trước khi chào bán cổ phiếu FLC rất khó chấp nhận.
"Còn về nguyên tắc, cổ đông nắm giữ cổ phiếu FLC có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp các thành viên trong ban điều hành tập đoàn thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu", Luật sư Nguyễn Tiến Lập khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính, đề nghị UBCKNN chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa tức thời tài khoản chứng khoán của ông Quyết.
Kế đến, cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua ngay lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông này đã bán trong phiên giao dịch hôm 10/1. Trường hợp ông Quyết không chấp hành, không tự đặt mua toàn bộ số cổ phiếu này, công ty chứng khoán nơi ông Quyết mở tài khoản sẽ phải thực hiện lệnh mua.
Toàn bộ số tiền chênh lệch mà ông Quyết có được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu nói trên sẽ được tịch thu để sung vào ngân sách Nhà nước do đây là số tiền thu lợi bất chính.
"Trước mắt, UBCKNN phải thực hiện những giải pháp xử lý khẩn cấp này để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đó, cơ quan quản lý tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cả hình sự đối với ông Quyết vì hành vi bán chui cổ phiếu FLC", ông Hải kiến nghị.
Cũng theo ông Hải, vụ việc ông Quyết bán chui cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch hôm 10/1 khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề.
Nếu ông Quyết chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu đến trăm triệu đồng đối với việc bán chui một lượng lớn cổ phiếu, mất mát của thị trường chứng khoán rất lớn. Đó là niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực trong khi Chính phủ kỳ vọng đây là kênh thu hút vốn cho nền kinh tế.
_Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính_
Vinpearl đăng ký công ty đại chúng
Điểm mới tạo cú hích đón 'sóng' đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam