Từng được Shark Liên 'rót' 7 tỷ, startup của Lương Xuân Trường đang 'ôm' gánh nặng chi phí lên tới 300 triệu/tháng
Dù phải chi trả 300 triệu đồng/tháng cho đội ngũ chuyên gia, công ty phục hồi chấn thương thể thao của Lương Xuân Trường quyết không giảm chi phí.
Lương Xuân Trường, tiền vệ nổi tiếng của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, không chỉ ghi dấu ấn trên sân cỏ mà còn bước chân vào lĩnh vực kinh doanh với một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao mang tên IRC. Dù mới thành lập chưa lâu, trung tâm này đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ để mang lại chất lượng dịch vụ hàng đầu trong ngành, bất chấp chi phí vận hành cao ngất ngưởng.
Chi phí "khủng" cho đội ngũ chuyên gia
Trong một chia sẻ gần đây trên trang Tiktok cá nhân, Lương Xuân Trường tiết lộ rằng trung tâm IRC đang chi trả khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng cho các chuyên gia nước ngoài. Đây chỉ là một phần trong tổng chi phí vận hành mà trung tâm phải gánh chịu hàng tháng.
"Khoản chi phí này thực sự lớn và là áp lực cho một startup như IRC, nhưng không thể cắt giảm", Xuân Trường khẳng định. Anh lý giải rằng chuyên môn y học thể thao ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp độ cao để phục hồi và đưa vận động viên quay trở lại với thể thao chuyên nghiệp.
Theo Xuân Trường, sự khác biệt lớn nhất giữa vật lý trị liệu cơ bản và phục hồi chức năng thể thao nằm ở mức độ chuyên môn. Nếu các cơ sở truyền thống chỉ tập trung giúp người bệnh trở lại sinh hoạt thường ngày, thì vật lý trị liệu thể thao lại đòi hỏi tối ưu hóa sức mạnh và hiệu suất vận động, điều chỉ có thể đạt được nhờ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.
“Với chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thể thao, các chuyên gia có thể xử lý mọi trường hợp từ chấn thương nhẹ đến các ca phức tạp, giúp người bệnh không chỉ lành lặn mà còn có thể chơi thể thao như chưa từng bị chấn thương”, cầu thủ cho biết thêm.
Hình ảnh cầu thủ Lương Xuân Trường, nguồn: Internet |
>> Vé chợ đen trận bán kết lượt về AFF Cup 2024 giữa đội tuyển Việt Nam và Singapore giảm mạnh
“Không có gì tồi tệ hơn việc có đam mê mà không thực hiện được”
Trung tâm IRC, thuộc Công ty Cổ phần IRC, được thành lập vào tháng 8/2020 với vốn điều lệ ban đầu 5 tỷ đồng. Lương Xuân Trường là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 65% cổ phần. Dù khởi đầu khiêm tốn, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 7 tỷ đồng chỉ sau hai năm hoạt động.
IRC tập trung vào lĩnh vực phục hồi chức năng chấn thương thể thao với hai cơ sở chính tại Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là nơi đi tiên phong trong việc kết hợp điều trị và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực y học thể thao tại Việt Nam.
Trong lần xuất hiện tại Shark Tank mùa 5, Xuân Trường đã chia sẻ ý tưởng thành lập IRC bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân. Khi được Shark Hưng hỏi: “Sao không đá SEA Games mà lại lên đây gọi vốn?".
Xuân Trường cho biết, “Em còn nhớ cảm giác ám ảnh khi phải chứng kiến một người đồng đội chơi ăn ý nhất với mình trên sân cỏ là Nguyễn Tuấn Anh. Bạn đã phải sang Thái để phẫu thuật cho chấn thương đứt dây chằng chéo đầu gối trước của mình, sau đó đã phải sang Pháp một mình để điều trị và tập phục hồi. Khi đó bạn ấy chỉ mới ở độ tuổi 16, 17 thôi”.
Cầu thủ này cũng chia sẻ trải nghiệm năm 2019, anh bị đứt dây chằng chéo đầu gối và phải sang Hàn Quốc điều trị. Quãng thời gian này đã khiến anh trăn trở về việc Việt Nam thiếu những trung tâm phục hồi đạt chuẩn quốc tế, từ đó nảy ra ý tưởng xây dựng IRC.
"Không có gì tồi tệ hơn việc bạn có đam mê nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn nữa", Xuân Trường nhấn mạnh.
Từ những chia sẻ đó, Shark Liên đã đồng ý cam kết đầu tư 7 tỷ đồng đổi lại 15% cổ phần IRC qua màn gọi vốn của cầu thủ Lương Xuân Trường.
Hình ảnh tại Shark Tank mùa 5 |
>> Sau thành công tại Shark Tank mùa 5, trung tâm IRC của Xuân Trường giờ ra sao?
Trong tương lai, trung tâm dự kiến mở rộng quy mô hoạt động và tiếp tục hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để nâng cao chất lượng dịch vụ, không chỉ dành riêng cho các vận động viên mà còn hướng tới những người đam mê thể thao nói chung.
Bất chấp áp lực tài chính, Xuân Trường khẳng định trung tâm của mình sẽ không giảm bớt chi phí cho đội ngũ chuyên gia. Anh xem đây là yếu tố cốt lõi để xây dựng niềm tin với khách hàng và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của IRC.
>> Shark Bình tiết lộ hai chữ tạo ra tài sản và giá trị cốt lõi lớn nhất
Samsung ‘nối gót’ Microsoft và Tesla, rót gần 200 triệu USD vào startup sản xuất robot hình người
Công ty nước của Shark Liên huy động gần 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm