Từng là lực lượng nòng cốt đưa ông Trump tái đắc cử, nông dân Mỹ giờ đây lao đao vì thuế quan
Với việc tất cả các đối tác thương mại đều trở thành mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, những người nông dân “đầy lo âu” sẽ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới.
Khi loạt thuế quan toàn cầu quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực vào cuối tuần qua, những nông dân Mỹ từng hy vọng có lãi trong năm nay giờ đây lại phải đối mặt với giá nông sản giảm và viễn cảnh mất thêm thị phần trên các thị trường quốc tế.

“Hiện tại chúng tôi đã bán dưới mức hòa vốn”, ông Jim Martin – một nông dân thế hệ thứ 5 trồng đậu nành và ngô ở bang Illinois (Mỹ) cho biết.
“Chúng tôi đã biết chuyện này sẽ xảy ra”, ông nói về các mức thuế của Trump. “Giờ đây chúng tôi chỉ đang lo lắng chờ xem mọi việc cuối cùng sẽ được giải quyết ra sao”.
Thuế suất cơ bản 10% của Tổng thống Trump dành cho hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ (trừ Mexico và Canada) đã có hiệu lực vào thứ Bảy tuần trước (5/4).
Hàng chục nền kinh tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ phải chịu các mức thuế còn cao hơn tùy theo từng nước bắt đầu từ thứ Tư tới (9/4).
>> Nóng: Ông Trump dọa nâng tổng thuế lên 104% với hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không nhượng bộ
Với những lời cảnh báo trả đũa, nông dân – một trong những lực lượng ủng hộ chính của ông Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 - lại một lần nữa rơi vào “tâm bão” và chuẩn bị hứng chịu thiệt hại.
Giá nhiều loại nông sản Mỹ đã giảm mạnh cùng với thị trường cổ phiếu sau thông báo về mức thuế mới của ông Trump và phản ứng từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nông sản Mỹ lớn thứ 3 thế giới sau Canada và Mexico sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, với mức thuế 34% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, bổ sung vào mức thuế 20% trước đó.
Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ, cộng thêm các mức thuế trước đó lên tới 15% đối với nhiều loại nông sản của “xứ sở cờ hoa”.
Các mức thuế này khiến chi phí nhập khẩu hàng Mỹ tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của nông dân đến từ “nền kinh tế số 1 thế giới”.
“Trung Quốc giờ không còn nhiều động lực để mua đậu nành từ Mỹ nữa. Mua từ Brazil rẻ hơn nhiều”, ông Michael Slattery – một nông dân trồng ngô, đậu nành và lúa mì ở bang Wisconsin cho biết.
Ít nhất một nửa lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ và thậm chí còn nhiều hơn đối với cây cao lương được xuất khẩu sang Trung Quốc – quốc gia đã chi 24,7 tỷ USD cho nông sản Mỹ trong năm ngoái, bao gồm thịt gà, thịt bò và các loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết lượng hàng Trung Quốc mua trong năm ngoái đã giảm 15% so với năm 2023, “do doanh số bán đậu nành và ngô giảm trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ Nam Mỹ”.
Ông Slattery dự đoán người mua Trung Quốc sẽ dè dặt hơn nữa.
“Mất thị trường này là một vấn đề rất lớn, vì tìm kiếm người mua thay thế là cực kỳ tốn kém”, Giáo sư Christopher Barrett của Đại học Cornell – chuyên gia về kinh tế nông nghiệp nhận định.
Trong cuộc chiến thương mại trước đây dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình (2017 – 2021), Trung Quốc là “mục tiêu duy nhất và do đó cũng là quốc gia duy nhất trả đũa Mỹ”, ông Barrett nói.
“Giờ thì tất cả các đối tác thương mại đều bị nhắm tới, khiến nông dân sẽ khó khan hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm thị trường mới”.
“Trên 20% thu nhập của nông dân Mỹ đến từ xuất khẩu và họ còn phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như phân bón và công cụ chuyên dụng”, Liên đoàn Nông trại Mỹ (American Farm Bureau Federation) cảnh báo trong tuần vừa qua.
“Thuế quan sẽ làm tăng chi phí các nguồn cung cấp thiết yếu và các biện pháp trả đũa sẽ khiến nông sản Mỹ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường toàn cầu”, tổ chức này cho biết thêm.

Hiệp hội Thực phẩm Sữa Quốc tế (International Dairy Foods Association) cũng cảnh báo vào thứ Tư tuần trước (2/4) rằng “các mức thuế rộng khắp và kéo dài” áp lên các đối tác thương mại hàng đầu và thị trường đang phát triển có nguy cơ làm suy yếu hàng tỷ USD đầu tư vào khả năng cung ứng toàn cầu.
USDA cho biết các mức thuế trả đũa mà Mỹ phải gánh chịu đã gây ra tổn thất hơn 27 tỷ USD trong xuất khẩu nông sản từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2019.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp đã chi khoảng 23 tỷ USD để hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại trong giai đoạn năm 2018 - 2019, ông Martin ở bang Illinois cho rằng các khoản hỗ trợ đó “chỉ như giải pháp tạm thời cho một vấn đề dài hạn”.
“Tổng thống (Trump) nói rằng về lâu dài mọi thứ sẽ tốt hơn, nên bây giờ chúng tôi phải tự hỏi mình cần kiên nhẫn đến mức nào”, ông nói thêm.
Ông Martin, cũng như nhiều nhà sản xuất khác, hy vọng sẽ có thêm các thỏa thuận thương mại với các quốc gia ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Slattery gọi các chính sách của Tổng thống Trump là “một sự tái cấu trúc lớn của trật tự quốc tế”. Ông đang chuẩn bị tinh thần cho những khoản thua lỗ trong năm nay và năm sau.
“Tôi đã cố gắng bán trước càng nhiều càng tốt số đậu nành và ngô, trước khi ông Trump bắt đầu hé lộ các mức thuế mà ông ấy định áp dụng”, ông Slattery chia sẻ.
Theo SCMP
>> Ông Trump gây áp lực: ‘Không có lạm phát, Fed nên cắt giảm lãi suất ngay!’
Nhà Trắng bác bỏ tin đồn ông Trump xem xét tạm hoãn thuế quan mới trong 90 ngày
Không bị nêu tên, Nga vẫn ‘dính đạn lạc’ từ thuế quan của ông Trump