Tuổi hưu năm 2024 của người lao động được tính như thế nào?
Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường được tính tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, 4 tháng đối với lao động nữ theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Cụ thể, theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường từ 2021 sẽ được xác định như sau:
Tuổi nghỉ hưu được tăng theo lộ trình từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Năm 2024, lao động nam 61 tuổi, nữ 56 tuổi 4 tháng. Theo lộ trình tăng này, từ năm 2028 trở đi tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62 tuổi, và từ năm 2035 trở đi tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ là 60 tuổi.
Đối tượng nào được nghỉ hưu trước tuổi
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên trước ngày 1/1/2021 từ đủ 15 năm trở lên.
Tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động từ năm 2024 thuộc một trong các trường hợp trên đối với nam là 56 tuổi, nữ là 51 tuổi 4 tháng. Theo lộ trình tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ, kể từ năm 2028 trở đi tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 57 tuổi; với lao động nữ mỗi năm tăng 4 tháng thì từ năm 2035 trở đi tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi.
Lý do chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ
Tại tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm, tiến tới lộ trình 10 năm nhằm mở rộng diện bao phủ trong bối cảnh mới 38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia lưới an sinh.
Theo dự thảo luật, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng hưởng thêm 2%.
Lao động nam có 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam thấp hơn nữ 11,25%.
Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết cách tính, tỷ lệ hưởng BHXH kế thừa toàn bộ quy định hiện hành, không đặt nặng vấn đề thay đổi công thức hưởng.
Luật BHXH năm 2006 từng quy định thời gian đóng tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam lẫn nữ để hưởng 45%. Luật sửa đổi năm 2014 điều chỉnh nâng dần thời gian đóng tối thiểu của nam lên 20 năm và nữ giữ nguyên 15 năm để hưởng mức trên.
Trong dự thảo luật đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu, nếu giảm năm đóng nhưng giữ nguyên cách tính cũ thì tỷ lệ lương hưu của nam và nữ có sự chênh lệch.
Người đi xuất khẩu lao động được tính lương hưu thế nào?
Từ 1/7/2025, người trên 70 tuổi không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội