Ưu tiên thực hiện đầu tư công trong năm 2025
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương sẽ chuẩn bị đầu tư ba dự án cầu: Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo ngay trong năm 2025 bằng hình thức đầu tư công.
Trong đó hai dự án cầu: Tứ Liên và Ngọc Hồi đang được xem xét, ưu tiên triển khai trước do vai trò quan trọng của nó với hệ thống giao thông Thủ đô.
Nhóm dự án ưu tiên
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai ba dự án cầu vượt sông Hồng quan trọng gồm: Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo để giảm tải cho các cầu: Thăng Long, Thanh trì, mở thêm hướng kết nối hai bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề phát triển khu vực từ Bắc xuống Nam Thủ đô.
Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi được xác định là cầu đối ngoại, kết nối Hà Nội với Hưng Yên, khép kín khu vực phía Nam của Vành đai 3,5.Cầu Tứ Liên nối hai bờ tả hữu, tạo điều kiện phát triển khu vực TP phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch mới của Thủ đô. Bên cạnh đó, đoạn đường dẫn đầu cầu Tứ Liên sẽ nối thẳng đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và chạm đến Vành đai 3 phía Bắc. Vì vậy, cây cầu này vừa có vai trò đối ngoại, vừa đối nội.
Cầu Trần Hưng Đạo là cầu đối nội đặc biệt, kết nối khu vực nội đô lịch sử tại đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với quận Long Biên. Do đó nó có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao như hiện nay.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 03/CT-TU, xác định 3 công trình cầu này vào nhóm đặc biệt quan tâm. Định hướng ban đầu cầu Ngọc Hồi sẽ sử dụng vốn đầu tư công, hai cầu: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, hiện hai cây cầu được xác định triển khai theo hình thức PPP đã được xác định lại sẽ sử dụng vốn đầu tư công. “Đặc biệt cầu Tứ Liên đã được Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề cao đối với Hà Nội là phải sớm triển khai ngay, nhằm phục vụ phát triển khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng. Với tinh thần đó, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trực tiếp nghe Sở GTVT và Sở KH&ĐT báo cáo ban đầu về 3 cây cầu nêu trên” - ông Phan Trường Thành nói.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất và được TP chấp thuận cho chuyển toàn bộ ba cây cầu sang hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của cầu Tứ Liên vào khoảng 26.000 tỷ đồng, với chiều dài 11,5km; cầu Trần Hưng Đạo khoảng 14.500 tỷ đồng, với chiều dài 6,5km; cầu Ngọc Hồi khoảng 11.500 tỷ đồng, với chiều dài 7,5km và có một phần nằm trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên.
Hà Nội cũng đã định hướng nguồn vốn đầu tư cho cầu: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo sẽ sử dụng 100% vốn ngân sách TP. Riêng cầu Ngọc Hồi sẽ sử dụng 3 nguồn vốn của: Hà Nội, T.Ư và tỉnh Hưng Yên. Chủ trương đầu tư của ba cây cầu đã được trình lên TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đồng tình với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, đồng thời đốc thúc các sở, ban, ngành phải đẩy nhanh tiến độ ba dự án.
“Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu trong tháng 1/2025, Sở KH&ĐT phải thẩm định để trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư cho cả ba dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo” - vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Đẩy tiến độ tối đa
Vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ còn một bước khá dài từ phê duyệt chủ trương đầu tư, lập thẩm định dự án đầu tư đến thiết kế, thi công. Tuy nhiên, từ 1/1/2025, theo Luật Thủ đô (sửa đổi) ba dự án cầu này sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND TP Hà Nội.
Nên kỳ vọng của ngành GTVT Thủ đô là ba dự án cầu: Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo sẽ được thông qua chủ trương đầu tư trong quý I/2025, phê duyệt phương án và lựa chọn đơn vị thực hiện vào quý II/2025; và quý III/2025 khởi công. Mặt khác, theo quan điểm nghiên cứu hiện nay, hai cầu: Tứ Liên và Ngọc Hồi sẽ được ưu tiên đầu tư trước; cầu Trần Hưng Đạo có thể sẽ chậm hơn một chút.
Nguyên nhân là do cầu Ngọc Hồi nằm tại khu vực Vành đai 3,5 đi từ Bắc xuống Nam, đã có rất nhiều đoạn tuyến được hoàn thiện. Đặc biệt là cầu Thượng Cát hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, nếu có thêm cầu Ngọc Hồi triển khai song song sẽ nối thông được toàn bộ Vành đai 3,5, và quan trọng hơn là kết nối đối ngoại với tỉnh Hưng Yên.
Ông Phan Trường Thành cho biết: “Hưng Yên đã chuẩn bị tất cả điều kiện để có thể phối hợp với Hà Nội triển khai dự án có tính chất liên vùng này. Lãnh đạo hai địa phương là TP Hà Nội và Hưng Yên cũng đã bàn bạc, thống nhất cao báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Hà Nội chủ trì đầu tư. Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ sẽ tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành một dự án độc lập, triển khai song song với dự án xây lắp cầu”.
Còn cầu Tứ Liên với cả hai vai trò: đối nội và đối ngoại, có vai trò rất quan trọng đối với khu vực đô thị phía Bắc Thủ đô đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó cầu Trần Hưng Đạo còn có nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ, nhất là công tác GPMB trong khu vực nội đô lịch sử.
Về tiến độ thực hiện các dự án cầu, Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, không thể hoàn thành trong 1 năm. “Đơn giản như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có vị trí tương đồng với 3 cây cầu nêu trên, dù không hề phải GPMB vẫn cần đến vài năm. Tôi cho rằng, với tốc độ thần tốc thì cũng phải cần từ 24 - 36 tháng để hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác mỗi cây cầu quy mô lớn như nêu trên” - ông Phan Trường Thành nói.
Liên quan đến ba dự án cầu: Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, có ý kiến cho rằng sẽ đầu tư theo hình thức PPP, sau đó thu phí để hoàn vốn. Về vấn đề này, ông Phan Trường Thành cho biết, việc thu phí hoàn vốn đối với ba cây cầu này là không khả thi và có thể gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận Nhân dân. Mặt khác hình thức đầu tư PPP theo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đến tháng 7/2025 mới triển khai được, có thể làm chậm tiến độ ba dự án, do đó phương án đầu tư công vẫn là tối ưu và sáng suốt nhất.
Riêng cầu Tứ Liên, để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng kỳ vọng phát triển khu vực đô thị phía Bắc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã gợi ý các sở, ngành nghiên cứu trong các giai đoạn tiếp theo triển khai theo hình thức hợp đồng EPC (tạm gọi là Thiết kế - Cung cấp thiết bị - Xây lắp - Bàn giao). Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án cầu Tứ Liên sẽ triển khai đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công xây lắp theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Sở GTVT, trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, riêng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các công trình giao thông của TP Hà Nội khoảng 127.000 tỷ đồng. Nếu so sánh có thể thấy 3 cây cầu với tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng này đã chiếm khoảng 40% ngân sách dành cho hạ tầng giao thông, điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với ba công trình cầu: Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo.
>> Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng
Thê thảm giá cổ phiếu từng thăng hoa nhờ 'cưỡi' sóng đầu tư công và dầu khí
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Phải ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm