Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954 chính thức trở thành Di tích quốc gia
Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Theo thông tin trên Báo Văn Hóa, tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu Tập kết ra Bắc 1954 và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia.
Công trình Cụm tượng đài có chiều dài 22m, rộng 7m và mũi tàu cao 7,2m. Thân tàu được làm bằng bê tông cốt thép, sơn giả đá. Tổng mức đầu tư cho dự án là 195 tỷ đồng. Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Đây là công trình mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược, giúp đưa cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam ra Bắc để lao động, học tập và đào tạo lực lượng. Mục tiêu của việc này là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Đồng thời, trong thời gian tại khu tập kết, các đoàn cũng đã cùng nhân dân miền Bắc xây dựng đời sống mới. Cà Mau là địa phương có thời gian tập kết ra Bắc dài nhất khu vực Nam Bộ, với 200 ngày.
Với giá trị lịch sử to lớn của sự kiện, Bộ VHTTDL đã quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đối với địa điểm Tập kết ra Bắc 1954 tại bờ nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời). Quyết định này nhằm tôn vinh tinh thần cách mạng và kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Thay mặt đảng bộ, nhân dân địa phương, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu đón nhận Bằng xếp hạng quốc gia “địa điểm tập kết ra Bắc cuối 1954 đầu 1955” do Bộ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng.