2 nhóm cổ phiếu 'cất cánh' nhờ siêu đập thủy điện 167 tỷ USD lớn nhất thế giới
Trung Quốc vừa chính thức khởi công xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới tại rìa phía đông của cao nguyên Tây Tạng, trong một động thái được giới phân tích đánh giá sẽ mang lại cú hích lớn cho các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng thủy điện.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mới đây đã phát động dự án đập Yarlung Zangbo, với công suất dự kiến lên tới 300 tỷ kilowatt-giờ (kWh) mỗi năm - gấp ba lần sản lượng của đập Tam Hiệp hiện tại, vốn là nguồn thủy điện lớn nhất thế giới. Sản lượng này tương đương 21% tổng sản lượng thủy điện năm 2024 của Trung Quốc và khoảng 2% tổng sản lượng điện quốc gia, theo ông Pierre Lau, trưởng bộ phận nghiên cứu tiện ích khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Citi.

Ông Lau cho biết, Tập đoàn Điện khí Đông Phương (Dongfang Electric) - một trong những nhà sản xuất thiết bị thủy điện lớn nhất Trung Quốc - sẽ là bên hưởng lợi chính khi nhu cầu đặt hàng tăng mạnh nhờ dự án. Tổng mức đầu tư cho siêu dự án Yarlung Zangbo ước tính lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 167,8 tỷ USD), gấp khoảng 5 lần dự án đập Tam Hiệp. Giá trị đấu thầu thiết bị điện ước đạt 120 tỷ nhân dân tệ, trong đó riêng Dongfang có thể giành được tới 54 tỷ nhân dân tệ — tương đương 77% doanh thu của công ty trong năm 2024. Tuy nhiên, việc ghi nhận doanh thu có thể phải chờ ít nhất 5 năm nữa.
Cổ phiếu Dongfang Electric đã tăng kịch trần ba phiên liên tiếp trên sàn Thượng Hải. Ở sàn Hồng Kông, cổ phiếu này tăng hơn 65% vào thứ Hai, ngay sau khi dự án khởi công vào thứ Bảy, trước khi điều chỉnh giảm 2,8% hôm thứ Ba và 9% hôm thứ Tư, chốt tại mức 22,9 HKD/cổ phiếu (2,9 USD).
Lợi thế khác của Dongfang đến từ việc công ty có nhà máy sản xuất và nghiên cứu thiết bị thủy điện đặt tại thành phố Lâm Chi, Tây Tạng – cho phép họ phát triển các thiết bị tùy biến phù hợp với địa hình dốc lớn của dòng sông Yarlung Zangbo.

Ông Albert Miao, trưởng bộ phận nghiên cứu chuyển dịch năng lượng và hàng hóa Trung Quốc tại Macquarie Capital, đã nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu H (niêm yết tại Hồng Kông) của Dongfang lên 14,1 HKD (tăng 27%) và cổ phiếu A (niêm yết tại Trung Quốc đại lục) lên 25,5 nhân dân tệ (tăng 17%), với khuyến nghị “khả quan”, nhờ các phê duyệt dự án nhiệt điện mạnh hơn dự kiến đến năm 2030.
Ngoài Dongfang, các doanh nghiệp thiết bị điện lưới như Sieyuan Electric, Henan Pinggao Electric và XJ Electric cũng được dự báo hưởng lợi khi dự án sẽ kéo theo nhu cầu tăng mạnh đối với hệ thống truyền tải siêu cao áp (UHV) và thiết bị đóng cắt.
Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng vọt
Bên cạnh thiết bị, các công ty sản xuất xi măng và vật liệu nổ dân dụng cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhờ khối lượng xây dựng khổng lồ của dự án. Theo công ty môi giới CGS International, nhà cung cấp xi măng Xizang Tianlu có thể là bên hưởng lợi lớn nhất, do dự án dự kiến sử dụng hơn 40 triệu m³ bê tông, tương đương hơn 16 triệu tấn xi măng (khoảng 1 triệu tấn mỗi năm). Tianlu, với toàn bộ công suất đặt tại Tây Tạng, có lợi thế rõ rệt so với các đối thủ có mức độ hiện diện thấp hơn tại khu vực này.
Các doanh nghiệp như Huaxin Cement và Anhui Conch Cement, được niêm yết tại cả Thượng Hải và Hồng Kông, cũng được nhắc đến như những cái tên có thể tham gia bổ sung nguồn cung nếu sản xuất xi măng tại Tây Tạng không đủ đáp ứng nhu cầu.
Với thị phần gần 90% thị trường chất nổ dân dụng tại Tây Tạng, Gaozheng Explosives được dự báo sẽ giành phần lớn đơn hàng mới. Do tính chất nhạy cảm về an ninh và chi phí vận chuyển cao, các doanh nghiệp ngoài khu vực khó có khả năng cạnh tranh hiệu quả.
Công ty cung cấp thiết bị thông gió Zhejiang Jindun Fans cũng chứng kiến cổ phiếu tăng mạnh — 11% vào thứ Hai và thêm 20% vào thứ Ba, chốt tại 16,08 nhân dân tệ (2,24 USD). Tuy nhiên, công ty đã cảnh báo trên sàn Thâm Quyến rằng biến động giá là bất thường và quá trình đấu thầu dự án chưa bắt đầu, kêu gọi nhà đầu tư tỉnh táo.

Ông Kai Wang, chiến lược gia thị trường cổ phiếu châu Á tại Morningstar, nhận định đợt tăng giá cổ phiếu trong tuần này xuất phát từ việc thị trường lần đầu tiên có cái nhìn rõ ràng hơn về quy mô và nhu cầu vật liệu của dự án. Dù các khoản vay và kế hoạch đã được phê duyệt từ tháng 12 năm ngoái, nhưng chỉ đến tuần này các chi tiết về khối lượng xi măng và tiến độ xây dựng mới được hé lộ.
Wang cũng cho biết Anhui Conch Cement là lựa chọn hàng đầu của Morningstar trước cả khi dự án siêu đập được khởi công. Theo ông, dự án này sẽ giúp cổ phiếu Conch thu hút sự quan tâm mới từ giới đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang triển khai chính sách “chống nội quyển” (anti-involution) nhằm hạn chế việc cạnh tranh giá tiêu cực. Giá mục tiêu cho cổ phiếu Conch được giữ ở mức 26 HKD, so với giá đóng cửa gần nhất là 24,1 HKD hôm thứ Tư.
Theo nhóm kinh tế học của Nomura, dự án có thể được triển khai theo nhiều giai đoạn kéo dài đến 10 năm. Tác động tích cực tới GDP được dự báo sẽ rõ ràng nhất trong vài năm đầu, đóng góp thêm khoảng 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Theo CNBC
>> Trung Quốc đột ngột cho nổ 300 đập, đóng cửa hàng trăm trạm thủy điện: Chuyện gì xảy ra?