Đây là tuyến đường sắt cao tốc chạy xuyên biển đầu tiên và duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Ngày 26/12/2023, đường sắt cao tốc kết nối hai đô thị Sán Đầu và Sán Vĩ ở Quảng Đông, Trung Quốc đã chính thức đi vào vận hành. 20km còn lại của toàn bộ tuyến đường và đường hầm xuyên biển đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Tổng chiều dài của tuyến này là 163km, trong đó, đường hầm xuyên biển ở vịnh Sán Đầu có chiều dài gần 10km. Đáng chú ý, đây là tuyến đường sắt cao tốc chạy xuyên biển đầu tiên và duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Với tốc độ thiết kế 350km/h, tuyến đường sắt cao tốc đã giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố cách nhau gần 200km xuống chỉ 36 phút và mất hơn 1,5 giờ để đi tới Quảng Châu, cách Sán Đầu 450km theo đường bộ.
Tuyến đường sắt cũng đánh dấu mốc quan trọng, nâng tổng chiều dài mạng lưới đường sắt cao tốc của tỉnh Quảng Đông vượt 3.000km.
Cụ thể, với hai tuyến tốc độ cao khánh thành trong năm 2023 là Quảng Châu - Sán Vĩ (200km) và Sán Vĩ - Sán Đầu (142km), mạng lưới tuyến đường sắt cao tốc tại Quảng Đông đạt 3.130km, vượt xa mạng lưới 2.807km của tỉnh Sơn Đông nằm tại phía bắc Trung Quốc.
Theo China Daily, đường hầm xuyên biển tại vịnh Sán Đầu đi qua hàng chục đứt gãy địa chất trong khu vực có cường độ động đất lên tới 8 độ richter. Vì đường hầm sẽ tiếp xúc với nước biển áp suất cao trong thời gian dài, kết cấu của nó được thiết kế để thích nghi với môi trường ăn mòn mạnh và có khả năng chịu được áp lực nước xâm nhập cao.
Đội ngũ xây dựng đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn cho cấu trúc của đường hầm đồng thời giữ chi phí vận hành ở mức có thể kiểm soát được. Do địa hình xung quanh phức tạp, quá trình thi công công trình đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, các kỹ sư đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết thách thức, trong đó gồm việc sử dụng công nghệ thông minh.
Công trình đường hầm đường sắt xuyên biển tại vịnh Sán Đầu sử dụng công nghệ xây dựng tự động, dùng nền tảng quản lý dữ liệu kỹ thuật số và hệ thống thông minh để lưu trữ, lắp ráp, vận chuyển và xây dựng. Theo đó, các cảm biến tự động sẽ làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu thời gian thực từ công trường, sau đó gửi đến nhà kho thông minh.
Với sự phát triển của công nghệ, ngoài lắp đặt đường ray, các thiết bị tự động giờ đây còn có thể đảm nhiệm công việc hơn, gồm đào hầm, đổ bê tông, sơn và kiểm tra… Theo các chuyên gia, việc triển khai quy mô lớn các robot xây dựng là một cột mốc quan trọng trong ngành, cho thấy máy móc giờ đây có thể đảm nhiệm hầu hết những công việc sử dụng nhiều lao động liên quan đến xây dựng đường sắt tốc độ cao.