Tuyển sinh tại các trường đại học hàng đầu nước Anh sẽ 'gay gắt hơn'
Hiệu trưởng Đại học West of England và Chủ tịch Universities UK (tổ chức đại diện cho hơn 140 đại học tại Anh) Steve West đã cảnh báo rằng các học sinh có thể phải cạnh tranh gay gắt hơn để theo học một số ngành thuộc các trường đại học hàng đầu của Anh trong năm nay do số lượng ứng viên tăng ồ ạt sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Steve West, các ngành học chuyên sâu về nghiên cứu như y khoa và nha khoa tại các trường đại học thuộc Russell Group (gồm 24 trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh như Oxford, Cambridge và Trường Kinh tế London) khó có thể tuyển sinh đủ nhu cầu sau khi số lượng sinh viên tăng vọt trong hai năm qua.
Nguyên nhân được ông West đưa ra là trong đợt COVID-19 đầu tiên, các trường đại học đã tuyển sinh ồ ạt sinh viên và rất ít người bỏ học nên số lượng sinh viên tại các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu đã tăng mạnh. Điều này đang gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân viên và buộc các trường này phải “tái cân bằng để trở lại trạng thái bình thường như trước”.
Khi được hỏi liệu việc nguồn lực bị thắt chặt có đồng nghĩa với sự cạnh tranh tại các trường thuộc Russell Group cao hơn so với những năm trước hay không, ông West trả lời rằng điều này sẽ xảy ra trong một số ngành học chịu áp lực về chỗ ăn ở hoặc không gian giảng dạy, môi trường hoặc đội ngũ nhân viên.
Ông đã chỉ rõ: “Khoa học, y khoa và nha khoa là những ngành chịu tác động rõ ràng vì đòi hỏi phải có các cơ sở thực hành và phòng thí nghiệm. Một số trường đại học nghiên cứu chuyên sâu sẽ giới hạn số lượng sinh viên trong một số ngành học và điều đó hoàn toàn đơn giản là do năng lực đào tạo của các trường”.
Russell Group gần đây đã cảnh báo rằng các trường đại học ở Anh đang phải trợ cấp cho sinh viên trung bình 2.500 bảng mỗi năm do khó khăn về kinh phí.
Tại Anh, các học sinh đang chờ đợi kết quả thi A-level, dự kiến sẽ được công bố trên toàn quốc vào ngày 17/8 để xét tuyển vào các trường đại học. Trong hai năm 2020 hoặc 2021, Anh không tổ chức các kỳ thi A-level chính thức để tuyển sinh đại học mà dựa vào hệ thống đánh giá địa phương rộng rãi hơn dẫn đến điểm số cao kỷ lục.
Với việc tái lập hệ thống điểm số theo tiêu chuẩn trước đại dịch trong năm nay, giám đốc điều hành của Russell Group, Tiến sĩ Tim Bradshaw, đã hạ thấp nguy cơ thiếu hụt suất học đại học.
Ông Tim Bradshaw nói: “Mặc dù sự cạnh tranh để giành được vị trí tại các trường đại học hàng đầu vẫn cao, tỷ lệ sinh viên nhận được thư mời nhập học từ trường đại học mà họ kỳ vọng đã tăng lên đáng mừng trong năm nay. Điều này phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của các trường trong việc tuyển sinh khi việc chấm thi ở trường trở lại như trước đại dịch”.
Một số chuyên gia giáo dục đã cảnh báo rằng việc khôi phục xếp hạng GCSE và A-level về mô hình trước đại dịch sẽ gây bất lợi cho một nhóm học sinh bị gián đoạn học nghiêm trọng do trường học đóng cửa.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát riêng biệt với hơn 3.500 sinh viên tốt nghiệp đã phát hiện ra rằng những người là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học có mức lương khởi điểm trung bình cao hơn so với những người theo bước chân của cha mẹ họ. Nghiên cứu được thực hiện bởi Universities UK cho thấy những sinh viên tốt nghiệp không có cha mẹ từng học đại học kiếm được trung bình 30.111 bảng/năm trong cho công việc khởi điểm, cao hơn gần 3.000 bảng so với mức trung bình của các đồng nghiệp có cha mẹ sở hữu bằng đại học.
NHNN chính thức cho phép cơ cấu lại khoản nợ ảnh hưởng bởi bão Yagi đến hết năm 2025
Ảnh vệ tinh hé lộ tàu chiến Nga ‘biến mất’ khỏi căn cứ hải quân ở Syria