Tỷ giá USD tiếp tục giảm sâu: Nguyên nhân và tác động đến nền kinh tế
Sự sụt giảm giá USD tự do chủ yếu là kết quả của việc đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế.
Sau khi trải qua cú sốc giảm mạnh hơn 60 đồng, xuống chỉ còn 25.250 đồng trong phiên hôm qua, đến sáng nay (24/8) tỷ giá USD tiếp tục giảm mạnh.
Tại thị trường Hà Nội, lúc 6 giờ 30 phút, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.203 – 25.283 đồng/USD, giảm 12 đồng/USD cả chiều mua vào và giảm mạnh 37 đồng/USD chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Sự sụt giảm giá USD tự do chủ yếu là kết quả của việc đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế. Chỉ số Dollar Index, đo lường sức mạnh của USD so với các đồng tiền khác, tiếp tục giảm gần 1% so với phiên trước và như vậy giảm khoảng 5% so với đỉnh cao cuối tháng 6, hiện đứng ở mức 100,68 điểm.
Sáng nay, Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 25.150 đồng, tăng 30 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá tự do giảm sâu - Ảnh: Internet |
Tỷ giá có sự suy giảm là do lạm phát ở Mỹ giảm xuống còn 3% vào cuối tháng 6/2024 và trong quý III/2024 được dự báo tiếp tục sẽ giảm. Theo một báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát hạ nhiệt đồng nghĩa với việc thu nhập trung bình thực tế mỗi giờ của người lao động tăng 0,4% hàng tháng, dù chỉ tăng 0,8% so với 1 năm trước.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng việc làm giảm bớt khiến tỷ lệ thất nghiệp của đất nước này tăng lên 4,3% và có khả năng tiếp tục tăng cao. Khi mất việc, người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu, giúp kiềm chế lạm phát. Chi tiêu tiêu dùng chiếm chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể là động lực để Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định hạ lãi suất vào tháng 9/2024, tạo ra áp lực điều chỉnh đối với đồng USD.
Thị trường đang dõi theo từng bước đi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dựa vào biên bản cuộc họp của Fed tháng 7 vừa qua, nhiều kỳ vọng được lóe lên về những chính sách điều chỉnh đáng kể của tổ chức này trong thời gian tới. Hiện tại, sự chú ý đang tập trung vào việc liệu Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) hay thậm chí 50 điểm cơ bản.
Nhìn về phía Việt Nam, nền kinh tế đất nước ta liên tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong 7 tháng đầu năm 2024 với vốn FDI liên tục lập kỷ lục và 12,55 tỷ USD đã được giải ngân. Ngoài ra, kiều hối chảy về Việt Nam liên tục tăng góp phần làm giảm tình trạng thanh khoản USD trên trên thị trường. Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2024 với mức tăng trưởng lên 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ giá giảm là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gánh nặng chi phí giảm đi, giả cả của hàng hóa Việt Nam nhập khẩu sẽ giảm. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp kích cầu mua sắm của người dân và thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ giá giảm sẽ là cơ hội để cơ quan quản lý nới lỏng chính sách tiền tệ, từ đó sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia trong khoảng thời gian tới.