UNICEF: Trẻ em ngày càng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu
Theo một báo cáo của UNICEF, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến hơn hàng chục triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa trong giai đoạn 2016 - 2021.
Báo cáo của UNICEF công bố cuối tuần trước ước tính rằng hơn 113 triệu trẻ em sẽ phải rời bỏ nhà cửa trong ba thập kỷ tới, trong đó có tính đến rủi ro do thiên tai.
Tại Somalia, cô bé 10 tuổi Shukri Mohamed Ibrahim đã phải cùng gia đình chuyển đi nơi khác sau một buổi sáng thứ Bảy cách đây 5 tháng.
Trận hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 50 năm đã thiêu rụi những đồng cỏ màu mỡ mà gia đình Shukri sống dựa vào. Gói quần áo và một số đồ dùng vào bao tải, gia đình Shukri di chuyển đến một trại tị nạn ở thủ đô Mogadishu, nơi Shukri, người mơ ước trở thành bác sĩ, hiện đang đi học lần đầu tiên. Dù được đi học, nhưng nơi cô bé sống lại chật chội, mất vệ sinh và khan hiếm thức ăn.
Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Nước biển dâng đang ăn mòn bờ biển, bão tố đang tàn phá các siêu đô thị còn hạn hán đang làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột tranh giành nguồn nước. Nhưng trong khi thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng, thế giới vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ những người di cư vì khí hậu và tìm ra những cách thức để bảo vệ họ.
Laura Healy, chuyên gia về di cư tại UNICEF và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Thực tế là sẽ có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng hơn trong tương lai, khi tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng”.
Gần 1/3, tương đương 43 triệu trong số 134 triệu lần người dân trên toàn cầu phải rời bỏ nhà cửa do thời tiết khắc nghiệt xảy ra vào giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm cả trẻ em. Gần một nửa đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do bão. Trong số đó, gần 4 trong số 10 người di cư là ở Philippines.
Lũ lụt đã khiến trẻ em phải di dời hơn 19 triệu lần ở những nơi như Ấn Độ và Trung Quốc. Cháy rừng đã ảnh hưởng đến trẻ em 810.000 lần ở Mỹ và Canada.
Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc có số lượng trẻ em phải di dời nhiều nhất do biến đổi khí hậu, chiếm gần một nửa. Những quốc gia này sở hữu dân số đông đảo và hệ thống sơ tán người dân hiệu quả, giúp họ ghi lại dữ liệu dễ dàng.
Tuy nhiên, nhìn chung trẻ em sống ở vùng Sừng châu Phi hoặc trên một hòn đảo nhỏ ở vùng Caribe dễ bị tổn thương hơn. Chuyên gia Healy cho biết nhiều trẻ em đang phải chịu đựng “các cuộc khủng hoảng chồng chéo”, nơi rủi ro từ các hiện tượng khí hậu cực đoan chồng chất thêm xung đột vũ trang và nghèo đói.
Trong trận lụt chưa từng có trên sông Yamuna vào tháng 7 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nước dâng cao đã cuốn trôi túp lều của gia đình Garima Kumar, 10 tuổi.
Nước cũng cuốn đi đồng phục học sinh và sách vở của cô bé. Garima sống cùng gia đình trên vỉa hè của siêu đô thị và đã phải nghỉ học 1 tháng.
“Các bạn khác trong trường trêu chọc em vì nhà em bị ngập. Bởi vì gia đình em không có nhà cố định”, Garima nói.
Nước lũ đã rút và gia đình Kumar đã bắt đầu sửa chữa nhà vào tháng trước. Cha mẹ Kumar cho biết họ phải liên tục dựng lại nhà trong nhiều năm qua do tần suất lũ lụt ngày càng tăng. Cha của Garima đã thất nghiệp trong hơn một tháng. Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình là khoản tiền 2 USD/ngày của người mẹ làm giúp việc gia đình.
Trẻ em dễ bị tổn thương hơn vì chúng phụ thuộc vào người lớn. Mimi Vũ, một chuyên gia về các vấn đề buôn người và di cư ở Việt Nam, cảnh báo rằng thực trạng này khiến trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và không được bảo vệ.
“Khi bạn tuyệt vọng, bạn sẽ phải làm những việc mà bình thường không làm. Và thật không may, trẻ em thường phải gánh chịu điều đó vì chúng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và không có khả năng tự đứng lên”, vị chuyên gia này nói.
Theo báo cáo của UNICEF, trẻ em Việt Nam, cùng với các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh, có thể sẽ phải rời bỏ nhà cửa trong tương lai. Các nhà hoạch định chính sách cùng với khối tư nhân cần đảm bảo rằng quy hoạch về khí hậu và năng lượng cần phải tính đến những rủi ro đối với trẻ em do thời tiết khắc nghiệt.